Đắk Lắk: 51/168 công trình cấp nước sạch ngừng hoạt động

Trong thời gian qua, tại tỉnh Đắk Lắk hàng loạt dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, sau một thời gian ngắn được đầu tư tiền tỷ thì lại rơi vào cảnh đắp chiếu triền miên, không phát huy được tác dụng, gây lãng phí ngân sách, một số khác thì chờ khai tử vì hư hỏng, khó khắc phục.

Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại xã Cư M’gar, H.Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk được khởi công xây dựng từ năm 2017, có kinh phí gần 12 tỉ đồng nhằm phục vụ cấp nước cho 478 hộ dân. Cuối năm 2018, công trình được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Thế nhưng, sau nhiều lần tạm ngưng hoạt động và đến nay, nó rơi vào tình trạng đắp chiếu.

Bà HTRUI MLÔ, Buôn Bling, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk: Làm trong mấy tháng xong xuôi, cho nó chạy 1 tháng, 2 tháng xong nó dừng luôn, không xài được nữa. Do cái tiền nước cao quá với lại dân không xài được. Bị hạn hán nhà nào nước cũng cạn hết, giếng nào cũng không có luôn."

Hiện công trình này được bàn giao cho UBND xã Cư Mgar lập tổ quản lý gồm 3 trưởng buôn để vận hành, thu tiền. Tuy nhiên, do đường ống dẫn nước thường xuyên hư hỏng nên chi phí vận hành cao, thu không đủ chi nên đến nay đã dừng hẳn.

Ông NGUYỄN NGỌC GIAO, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk: Hiện nay dự án đang có sự cố, hư hỏng rất nhiều và không sử dụng được. Trong thời gian tới, phòng Nông nghiệp sẽ tổ chức kiểm tra cụ thể và sẽ phối hợp với chính quyền địa phương. Và sẽ có tờ trình gởi UBND huyện và tuyên truyền người dân cùng chung tay sửa lại hệ thống nước để sử dụng.”

Trước thực trạng hư hỏng trên, UBND xã Cư Mgar đã phối hợp với một doanh nghiệp để tiếp tục vận hành hệ thống này, nhưng vì liên tục hư hỏng nên đã mất lòng tin của người dân, dự án lại tiếp tục đắp chiếu cho đến nay.

CÔNG TRÌNH XUỐNG CẤP TRẦM TRỌNG

Không chỉ công trình cấp nước tại xã Cư M’gar đang đắp chiếu, nhiều công trình cấp nước khác tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng đang xuống cấp trầm trọng.

Xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hiện có 7 công trình cấp nước tập trung, thì có tới 5 công trình đắp chiếu cả nhiều năm nay, khiến các hộ dân tự phải khoan mạch nước ngầm phục vụ nhu cầu thiết yếu.

ÔNG Y LE BKRÔNG: Buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: "Công trình nước sạch ở đây đã ngưng hoạt động từ lâu rồi, không có nước sạch bà con đành phải mua nước ở ngoài. Giờ mong muốn lớn nhất của người dân ở đây làm sao nhà nước sớm có cách khắc phục để đưa nước về cho bà con.”

Gần đây Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đã lắp đặt hệ thống đường ống về đến tận từng thôn buôn nhưng không thể giải quyết dứt điểm vấn đề.

ÔNG NGUYỄN ĐỨC THUẬN, Bí thư đảng ủy xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: Công tác quản lý và chuyên môn kỹ thuật và khi xây dựng công trình, khảo sát chưa được tốt do vậy dẫn đến hụt nước, thiếu nước ngầm, máy móc thiết bị không đảm bảo..thay đi thay lại. Và do chỉ cấp nước cho dân không mang tính chất thương mại nên việc tái vốn đầu tư rất hạn chế."

Trong số 168 công trình cấp nước sạch tập trung ở tỉnh Đắk Lắk trị giá hơn 400 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, hiện có tới 51 công trình ngừng hoạt động, trong đó 20 công trình hư hỏng nặng bị đưa vào diện xem xét để thanh lý bán phế liệu.

Luật sư TẠ QUANG TÒNG, Trưởng đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk: "Công trình đầu tư công không phát huy hiệu quả, gây ra lãng phí, phải xem xét trách nhiệm của đơn vị tổ chức đầu tư, xem xét trách nhiệm của đơn vị lập kế hoạch, tổ chức thẩm định thiết kế đầu tư. Và cần xem xét trách nhiệm của địa phương. ì bất kì cái công trình đầu tư công đều có sự tham gia của chính quyền địa phương tham gia quản lí. Không phát huy hiệu quả, bỏ hoang phế thì đây rõ ràng thì đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm của quy định nhà nước về quản lý đầu tư công, cũng như việc lãng phí tài sản của nhà nước xã hội chủ nghĩa.”

Từ năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quy định rất rõ về trách nhiệm của các đơn vị quản lí, vận hành khi để công trình hư hỏng, xuống cấp. Nhưng trên thực tế thì đến nay, địa phương vẫn chưa xử lý trách nhiệm của đơn vị, cá nhân nào liên quan.

Chiến lược Quốc gia cấp Nước sạch và Vệ sinh nông thôn đến năm 2020 xác định rõ mục tiêu: “Tất cả dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia”. Tuy nhiên, với thực trạng nhiều công trình cấp nước sạch trên địa bàn ngừng hoạt động như hiện nay, rất khó để tỉnh Đắk Lắk đạt mục tiêu này và sẽ gây lãng phí tiền đầu tư công của Nhà nước, chính quyền địa phương.

Thực hiện : Duy Hòa Việt Bảo

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cong-trinh-hon-chuc-ty-dong-nhanh-chong-dap-chieu