Đắk Lắk bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

Dù luôn dẫn đầu khu vực về chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhưng chất lượng giáo dục đại trà của Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chủ trì Hội thảo. (Ảnh: TT)

Chủ trì Hội thảo. (Ảnh: TT)

Ngày 30/12, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H' Yim Kđoh dự và chủ trì Hội thảo.

 Phó chủ tịch UBND tỉnh H' Yim Kđoh dự và chủ trì Hội thảo. (Ảnh: TT)

Phó chủ tịch UBND tỉnh H' Yim Kđoh dự và chủ trì Hội thảo. (Ảnh: TT)

Đồng chủ trì Hội thảo có TS Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT; NGƯT.TS Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Lưu Tiến Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch Công đoàn ngành GD tỉnh; bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.

 Đại biểu dự Hội thảo. (Ảnh: TT)

Đại biểu dự Hội thảo. (Ảnh: TT)

Tham dự có các nhà khoa học đến từ các học viện, đại học, trường đại học trên khắp cả nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương.

Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, sau hơn 10 năm thực hiện đổi mới, ngành Giáo dục Đắk Lắk đã đạt những thành tựu nổi bật, chất lượng giáo dục đại trà từng bước được nâng lên.

Đặc biệt, thành tích học sinh giỏi quốc gia luôn nằm top đầu khu vực 10 tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

 TS Lê Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. (Ảnh: TT)

TS Lê Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. (Ảnh: TT)

Thêm nữa, trong các cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, Khởi nghiệp quốc gia, các học sinh Đắk Lắk luôn có dự án đoạt giải Nhất và được đại diện Việt Nam tham dự kỳ thi ISEP tại Mỹ.

Giáo dục dân tộc được chú trọng, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh hoàn thành mục tiêu đề ra.

Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý, quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) được thực hiện dân chủ công khai đúng quy định. Đội ngũ GV hiện nay về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, có phẩm chất và năng lực để thực hiện thành công đổi mới ...

 TS Trần Thị Quỳnh Nga, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế trình bày giải pháp: Phát triển năng lực ngôn ngữ và văn học theo Chương trình GDPT 2018 cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TT)

TS Trần Thị Quỳnh Nga, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế trình bày giải pháp: Phát triển năng lực ngôn ngữ và văn học theo Chương trình GDPT 2018 cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TT)

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Sư phạm Huế, Học viện quản lý Giáo dục, Trường Đại học Tây Nguyên... trao đổi, chia sẻ các giải pháp trọng tâm như: Khắc phục rào cản đối với giáo dục phổ thông tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Phát triển năng lực ngôn ngữ và văn học theo Chương trình GDPT 2018 cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên thông qua xây dựng cộng đồng học tập chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDPT 2018. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục STEM cấp tiểu học góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp tăng hiệu quả của giáo viên trong thực hiện dạy học phát triển năng lực và phẩm chất”. Công tác phối hợp trong hoạt động bồi dưỡng CBQL, GV giữa trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với Sở GD&ĐT Đắk Lắk thực hiện chương trình GDPT 2018. Thực trạng và một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên dạy tiếng DTTS ở Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập”...

 TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, nguyên Phó Trưởng khoa Quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục trình bày giải pháp: Phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên thông qua xây dựng cộng đồng học tập chuyên môn ... (Ảnh: TT)

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, nguyên Phó Trưởng khoa Quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục trình bày giải pháp: Phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên thông qua xây dựng cộng đồng học tập chuyên môn ... (Ảnh: TT)

Chủ trì Hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, thiếu giáo viên, tinh giản biên chế 10% theo quy định.

Đồng thời, phân tích nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ thực tiễn dạy học. Từ đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Đắk Lắk hiện có 492.263 học sinh từ mầm non đến THPT. Có 35.174 cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, nhân viên với 12 tiến sĩ, 1.382 thạc sĩ, 24.437 đại học, 95% CBQL, GV đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên.

Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 87,3%. Tính đến năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 747 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 60,09%).

Hệ thống trường phổ dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú tương đối lớn với 2 trường THPT và 15 trường cấp THCS.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dak-lak-ban-giai-phap-nang-cao-chat-luong-giao-duc-pho-thong-post714076.html