Đắk Lắk đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh hiệu quả
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, tỷ lệ tiêm vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Đắk Lắk chưa đạt, nhiều trẻ em bị trễ lịch tiêm chủng, bỏ lỡ mũi tiêm gây nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh trong tương lai.
Đưa con mới được 5 tháng tuổi đến Trạm Y tế phường để tiêm vaccine 5 trong 1, chị Triệu Thị Hoa Hồng ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, khi nhận được thông báo của cán bộ y tế về lịch tiêm chủng cho con, chị cũng hơi e ngại vì lo sợ nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID -19. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ y tế tư vấn chị đã yên tâm đưa con đi tiêm.
“Tới lịch tiêm thì em cũng sắp xếp đi tiêm để cho con em được phòng tránh bệnh"- chị Triệu Thị Hoa Hồng nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Bích Uyên Thụy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian vừa qua có không ít người dân lo ngại dịch bệnh nên không cho con đi tiêm các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, đời sống người dân đã bình thường trở lại, Trạm đã phối hợp với các ban ngành liên quan đẩy mạnh chiến dịch truyền thông để vận động người dân đưa trẻ đi tiêm nhằm giúp trẻ phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Trạm phối hợp với Ban văn hóa thông tin của phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thông báo trên loa của phường, trên trang facebook; các em ở Trạm y tế phường cũng trực tiếp gọi điện thoại cho từng đối tượng thông báo thời gian địa điểm lịch tiêm để bà con ẵm con đi tiêm chủng đầy đủ, mục đích là phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm, giảm tỷ lệ bệnh trên địa bàn của phường”- BS Nguyễn Bích Uyên Thụy cho biết.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, kết quả triển khai tiêm chủng các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đến tháng 7 năm 2022, chỉ có chỉ tiêu phụ nữ có thai tiêm phòng uốn ván đạt tiến độ, còn lại các chỉ tiêu khác như viêm não Nhật Bản, sởi – Rubella cho trẻ 18 tháng và bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 4 cho trẻ 18 tháng đều chưa đạt tiến độ. Trong đó, 12/15 huyện chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC Đắk Lắk cho biết, những năm qua việc triển khai tiêm các loại vaccine phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã đạt được kết quả quan trọng, minh chứng rõ ràng nhất là tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh ở trẻ em giảm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 3 năm trở lại đây, công tác tiêm chủng mở rộng bị ảnh hưởng rất nhiều. Với tỷ lệ tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt thấp, khoảng trống miễn dịch gia tăng tại một số địa bàn gây nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất cao.
“Chúng tôi đã yêu cầu y tế cơ sở phải rà soát lại những trẻ nào chưa đủ mũi tiêm và thông báo cho bà mẹ mang con đi tiêm chủng. Mặc dù nó trễ đi so với lịch nhưng chúng ta vẫn phải tiêm vét để đảm bảo trẻ đủ miễn dịch phòng chống những bệnh như thế. Trong tháng 9, 10 này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tiêm vét, tổ chức những điểm tiêm chủng lưu động để tạo điều kiện cho bà mẹ mang con đến tiêm những mũi tiêm mà trẻ chưa được tiêm trong 2 năm”- BS Lê Phúc cho biết./.