Đắk Lắk: Đối diện với dịch bệnh truyền nhiễm phức tạp trong mùa Đông - Xuân
Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, song các bệnh truyền nhiễm vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan. Đặc biệt, vào thời điểm chuyển mùa và Tết Nguyên đán năm 2024 đang đến gần, nhu cầu đi lại, giao lưu, tiếp xúc của người dân tăng cao là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển.
Gia tăng các ca bệnh nặng
Năm 2023, tại tỉnh Đắk Lắk ghi nhận nhiều bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại, viêm não Nhật Bản…
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023, sốt xuất huyết ghi nhận các ca mắc tại 15/15 đơn vị huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc giảm khoảng 50% so với năm trước, nhưng số ổ dịch tăng gần 2 lần. Số trường hợp mắc bệnh và tử vong cao hơn so với dự đoán theo chu kỳ đỉnh dịch. Tính tới đầu tháng 12/2023, toàn tỉnh ghi nhận gần 5.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chủ yếu ở huyện Ea Kar, Ea H’leo, Krông Pắk, thành phố Buôn Ma Thuột… với 558 ổ dịch, 6 ca tử vong, trong đó có 3 ca tử vong ở huyện Krông Pắk. Đáng chú ý, một số dịch bệnh ghi nhận tăng cao, gây ra dịch ở nhiều địa phương. Cụ thể, bệnh đau mắt đỏ với 38.695 trường hợp mắc, bệnh thủy đậu 352 trường hợp, 7 ca viêm não Nhật Bản…
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm 2023 đến nay bệnh viện tiếp nhận trên 140 bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng. Theo bác sỹ Phạm Quang Vinh, Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Sơ sinh, tình trạng sốt xuất huyết năm nay so với năm ngoái nặng hơn, có nhiều ca tử vong. Khoảng một tháng trở lại đây, số ca bệnh mới giảm, tuy nhiên, Khoa vẫn tiếp nhận nhiều ca nặng.
Thống kê của Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Sơ sinh, từ đầu năm đến nay, Khoa đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 70 trẻ bị viêm não màng não, viêm não Nhật Bản (tăng gấp 3 lần số ca mắc so với cùng kỳ năm 2022). Đa số các trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê, li bì, rối loạn trí giác, co giật, thậm chí phải thở máy.
Bác sỹ H’El Niê, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Sơ sinh cho biết, năm nay bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca bệnh truyền nhiễm viêm màng não. Các ca bệnh do virus hay vi khuẩn đều để lại di chứng. Tùy mức độ, khi bệnh nhân được đưa tới bệnh viện sớm sẽ có độ cải thiện tốt hơn. Hậu quả của viêm não rất lớn, đặc biệt, các ca viêm não Nhật Bản để lại di chứng nặng nề cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Thời gian điều trị ca bệnh kéo dài, có nhiều bệnh nhân bị liệt, sống thực vật…
Trường hợp bệnh nhi A.B.M (nam, sinh năm 2015, tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) bị viêm não Nhật Bản. Anh A Lập (bố bệnh nhi, tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk) cho biết, tối 16/11, trẻ xuất hiện các triệu chứng đau đầu, kèm theo sốt cao, nôn ói, người nhà đưa đi khám và mua thuốc uống nhưng không đỡ. Tối 18/11, trẻ được đưa lên Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk. Sau đó, được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Bệnh nhi nhập Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Sơ sinh với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, theo dõi viêm màng não, theo dõi sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 3. Đến ngày 8/12, bệnh nhi được các bác sỹ chẩn đoán suy hô hấp độ IV, nhiễm trùng huyết, viêm não màng não, phù não, xuất huyết tiêu hóa. Kết quả xét nghiệm do Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xác nhận bệnh nhi dương tính viêm não Nhật Bản. Đến nay, sau khoảng 1 tháng rưỡi điều trị, trẻ vẫn trong tình trạng tỉnh nhưng không có ý thức, chân co quắp…
“Tình trạng sức khỏe cháu còn đờm nhiều, mắt cháu mở nhưng khi gọi cháu chưa trả lời, chân, tay bị teo. Trước đây sức khỏe cháu bình thường, cháu vẫn đi xe đạp đi học. Từ khi cháu bị bệnh, tay, chân bị teo, hiện gia đình chưa biết khắc phục thế nào”, anh A Lập chia sẻ.
Triển khai các biện pháp
Theo ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, so với năm 2022, số ca sốt xuất huyết tại địa phương giảm nhiều, nhưng có 6 trường hợp tử vong, điều này gióng lên hồi chuông báo động. Nguyên nhân, do nhiều người chưa quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Qua các ca tử vong, hầu như người dân tự ý mua thuốc để tự điều trị, khi vào bệnh viện tình trạng đã nặng, sốc sốt xuất huyết ngày thứ 4, 5…
“Đối với các ca tử vong, Sở Y tế tổ chức họp khẩn để phân tích, đánh giá chủ quan, khách quan, đưa ra nguyên nhân, tìm ra giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tử vong. Nhưng trước hết, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân; khi có dấu hiệu bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị, tránh để bệnh đến ngày thứ 4, 5 gây sốc sốt xuất huyết”, ông Hoàng Hải Phúc thông tin.
Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận nhiều ca viêm não màng não, trong đó có tới 7 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Đáng chú ý, các trường hợp đều trẻ dưới 15 tuổi. Đặc điểm của bệnh viêm não Nhật Bản xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi, không được tiêm phòng đầy đủ. Qua các trường hợp khi phát hiện, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã cử cán bộ xuống lấy mẫu xét nghiệm. Qua điều tra, xung quanh nhà các bệnh nhân đều ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex sinh sống là véc tơ truyền bệnh Viêm não Nhật bản. Đây là điều đáng báo động vì khả năng truyền bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra nếu như không có biện pháp phòng bệnh tốt.
Theo ông Hoàng Hải Phúc, để phòng bệnh, người dân cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, chuồng trại, sử dụng thuốc khử khuẩn… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế ban hành công văn chỉ đạo lực lượng Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh; tuyên truyền để người dân đi tiêm vaccine đầy đủ theo đúng lịch khuyến cáo của Bộ Y tế; đồng thời, khi phát hiện bệnh, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được chuẩn đoán, kịp thời điều trị, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
“Mặc dù vaccine viêm não Nhật Bản đã được cấp cho tuyến huyện. Thế nhưng, công tác tuyên truyền, tiêm chủng cho người dân chưa được hưởng ứng nhiều. Qua 7 trường hợp bị bệnh, chỉ có 3 trường hợp đã được tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản. Do đó, người dân cần tự ý thức bảo vệ bản thân, tiêm phòng cho con đầy đủ các mũi tiêm chủng để phòng, ngừa bệnh”, ông Hoàng Hải Phúc cho biết.
Mới đây, để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông - Xuân năm 2023 - 2024, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Các địa phương phải đảm bảo kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn…