Đắk Lắk ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N1 gia cầm, cảnh giác triệu chứng cúm A/H5N1 ở người
Bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5N1 gây ra và có thể lây sang người.
Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.
Phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương vừa phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Ea Knốp. Đắk Lắk.
Theo thông tin ban đầu, gia đình ông H.V.T. (trú thôn 14, xã Ea Knốp) nuôi 2.000 con gà. Trong hai đợt bán ra ngày 15 và 20/6, gia đình đã xuất chuồng 1.900 con gà 130 ngày tuổi. Tuy nhiên, đến ngày 10/7, 100 con gà còn lại bắt đầu xuất hiện triệu chứng mào tái, phân loãng vàng, sau đó chết dần.
Gia đình đã gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm và nhận kết quả dương tính với cúm A/H5N1 Ngay sau đó, toàn bộ số gà bệnh, chết được tiêu hủy, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng.
Nhận tin báo, Trạm Chăn nuôi và Thú y Ea Kar phối hợp chính quyền xã Ea Knốp tổ chức giám sát ổ dịch, đồng thời đề nghị thống kê tổng đàn gia cầm tại khu vực thôn 14, tuyên truyền người dân chủ động tiêm vaccine phòng cúm và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Gia đình ông T. được yêu cầu không tái đàn trong vòng 45 ngày.
Song song đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cũng đã lấy mẫu xét nghiệm các thành viên trong gia đình ông T., nhằm phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk đang lấy mẫu xét nghiệm đối với thành viên trong gia đình ông T.
Cúm A/H5N1 lây sang người như thế nào?
Cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus cúm chủng H5N1 gây ra. Cúm A/H5N1 hay còn gọi là cúm gia cầm xảy ra trên gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, đà điểu, chim nuôi, chim hoang dã và lây truyền cho người. H5N1 là chủng cúm có độc lực cao, có khả năng gây ra các biến chứng và nguy cơ tử vong cao ở người.
Bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp (như chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, mua bán) gia cầm bị bệnh. Chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh cũng có thể lây cúm A/H5N1. Ngoài ra, cúm A/H5N1 có thể lây qua ăn, uống thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ hoặc chế biến không hợp vệ sinh.
Người bệnh nghi ngờ phải được cách ly. Khi phát hiện nhiễm cúm A/H5N1 cần nhanh chóng được chăm sóc y tế và điều trị kịp thời, trong vòng 48 giờ từ khi khởi phát dấu hiệu để hạn chế nguy cơ bệnh trở nặng.
Phân biệt cúm A/H5N1 và cúm thông thường
Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A. Người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Để phân biệt cúm mùa với cúm A/H5N1, mọi người cần lưu ý, cúm mùa là lây từ người sang người còn cúm A/H5N1 lây từ chim hoang dã hoặc gia cầm sang người, chưa phát hiện lây từ người sang người.
Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm thông thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau ngực, khó thở, mệt mỏi, cảm thấy rét run, choáng váng đầu óc; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm...
Còn cúm A/H5N1 triệu chứng thường nặng như suy hô hấp, viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, người mắc cúm A/H5N1 có nguy cơ diễn tiến nặng và dẫn tới tử vong. Cúm A/H5N1, cần phải có xét nghiệm và yếu tố dịch tễ liên quan, có thể lan truyền thành dịch trong cộng đồng.

Cúm A/H5N1 hay còn gọi là cúm gia cầm xảy ra trên gà, vịt, ngan, ngỗng có thể lây sang người.
Biện pháp phòng chống bệnh cúm A/H5N1
Để phòng chống bệnh cúm A/H5N1 cần chú ý những điểm sau: Không giết mổ, vận chuyển, mua bán, ăn thịt gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y; đảm bảo ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh; rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với thịt, trứng gia cầm tươi sống và trước khi ăn.
Không chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ (kể cả nuôi gà đá) không đảm bảo an toàn sinh học.
Không nuôi chung gia cầm, heo, bò sữa vì nguy cơ biến chủng virus cúm gia cầm. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Không tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết kể cả chất thải (phân, chất độn chuồng, dịch tiết gia cầm, có mầm bệnh). Khi có biểu hiện như sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Tóm lại: Bệnh cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia cầm lây sang người. Với khả năng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao, cúm gia cầm có thể dễ dàng gây ra các đợt dịch cúm lớn, chết gia cầm hàng loạt, gây chết người nếu không kiểm soát chặt chẽ. Người bệnh nghi ngờ phải được cách ly. Khi phát hiện nhiễm cúm A/H5N1 cần nhanh chóng được chăm sóc y tế và điều trị kịp thời, trong vòng 48 giờ từ khi khởi phát dấu hiệu để hạn chế nguy cơ bệnh trở nặng.