Đắk Lắk: Giải pháp canh tác giảm thiểu xung đột giữa voi với người
Trong hơn một thập niên gần đây, voi rừng thường xuất hiện và gây thiệt hại cho tài sản, hoa màu trên đất canh tác của người dân ở các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp..
Để hạn chế xung đột với voi, người dân thường dùng cách truyền thống là đốt lửa, tạo âm thanh bằng cách gõ các vật dụng có sẵn. Một số hộ tự làm chỗ trú tạm thời trên các cây cao để tránh khi có voi xuất hiện ở các khu vực canh tác. Có doanh nghiệp đã đào hào quanh khu đất với mục đích ngăn chặn sự xâm nhập của voi rừng vào phá cây trồng, mặt dù biết việc đào hào là vi phạm những nguyên tắc về môi trường, cảnh quan, ảnh hưởng đến hành lang di chuyển của voi và các loài thú lớn cần bảo tồn.
Nhiều hộ dân đã liên kết với nhau, dùng máy cày, máy cưa,… đồng loạt tạo tiếng nổ lớn, liên tục, hoặc dùng đất đèn đốt vừa tạo tiếng nổ vừa tạo ánh sáng…để xua đuổi voi. Các hộ dân người dân tộc thiểu số nhập cư từ các tỉnh phía Bắc còn dùng súng tự chế để bắn voi hoặc dùng các loại chông để bẫy voi.
Tuy nhiên, tất cả các cách làm trên cũng chỉ là giải pháp tạm thời để ngăn chặn, xua đuổi mà không hiệu quả vì voi không những quen và không còn sợ, ngược lại biểu hiện của voi khi nghe âm thanh lớn trở nên hung hăng và phá phách nhiều hơn.
Xuất phát từ thực tế nói trên, để “chung sống hòa bình” với voi, TS. Cao Thị Lý và các cộng sự tại trường Đại học Tây Nguyên đã nghiên cứu, lựa chọn những loài cây voi không thích ăn, ít phá hoặc không phá khi gặp trên đường di chuyển để xây dựng mô hình canh tác ở khu vực thường có voi rừng xuất hiện.
Sau hai năm thực nghiệm, nhóm nghiên cứu của TS. Cao Thị Lý đã xây dựng được mô hình trồng xen các loài cây ngắn ngày (Môn sọ, Cà ri), với cây dài ngày cho gỗ (Tếch) hoặc cho quả (Me thái), đều là những loài cây voi không ưa thích, giúp tận dụng đất đai, tránh bỏ hóa đất canh tác, góp phần mang lại thu nhập cho người dân địa phương.
Giải pháp canh tác này giúp “lấy ngắn nuôi dài”, tạo ra thu nhập trước mắt cho người dân từ thu hoạch sản phẩm cây ngắn ngày, trong khi chờ cây dài ngày cho sản phẩm có thu như gỗ Tếch và quả Me thái. Điều này càng đặc biệt cần thiết và có ý nghĩa đối với các hộ người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đệm vườn quốc gia Yốk Đôn. Đây cũng là một trong những giải pháp đóng góp cho hướng giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Bảo tồn trực tiếp đối với voi, loài thú lớn, quý hiếm còn phân bố ở Đắk Lắk, và cũng là biểu tượng của tỉnh.
Kết quả bước đầu sau 02 năm thực hiện giải pháp đã góp phần cải thiện suy nghĩ tiêu cực của các hộ dân đã từng bị thiệt hại trong việc ngăn ngừa, phòng tránh voi rừng; nhận thức của các hộ dân về bảo tồn voi cũng thay đổi theo hướng thân thiện và hài hòa hơn. Các hộ dân tham gia thử nghiệm mô hình đã biết cách trồng, chăm sóc các loài cây đúng kỹ thuật. Một số hộ, sau khi thu hoạch đã tự để giống các loại cây ngắn ngày như Môn sọ, Cà ri để trồng lại trong năm sau. Một số hộ trong buôn và các buôn khác trong xã đã tự đầu tư để trồng thêm Môn sọ và Me thái ngoài diện tích thử nghiệm.
Dự kiến, sau 5 - 15 năm, khi có thu nhập ổn định từ cây dài ngày, kết quả của giải pháp sẽ được chính các hộ dân tự phát triển và chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng trên các diện tích đất rẫy đang còn bị bỏ hóa hoặc canh tác chưa hiệu quả do thiệt hại tại địa phương. Khi sinh kế ổn định, thu nhập được cải thiện thì người dân sẽ yên tâm canh tác và phát triển kinh tế hài hòa; góp phần cùng vườn quốc gia trong bảo tồn Voi.
Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, nhận xét: Giải pháp của TS. Cao Thị Lý có tính sáng tạo trong việc chọn lựa và phối trí cây trồng cho phù hợp với từng điều kiện canh tác khác nhau; linh hoạt giữa tiếp cận có sự tham gia mang tính xã hội với tiếp cận kỹ thuật; có sự kết hợp kỹ thuật của các ngành: Lâm nghiệp và quản lý bảo tồn tài nguyên rừng; kết hợp bảo tồn loài voi với phát triển nông nghiệp và nông thôn; có thể triển khai được ngay với trình độ canh tác, khả năng kinh phí của các hộ tại các khu vực rẫy đã từng bị thiệt hại do voi; Giải pháp này cũng có thể được áp dụng cho các địa phương có các khu vực rẫy bị thiệt hại do voi, có điều kiện sinh thái tương đồng, hoặc phù hợp với các loài cây trồng của mô hình, tại các địa phương khác trong cả nước.
Giải pháp này đã đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII (2020-2021).