Đắk Lắk làm gì để gỡ rối quản lý chất lượng ngành hàng tỷ đô?
Thời điểm này, các vườn sầu riêng ở Đắk Lắk đang trong giai đoạn ra hoa - xổ nhụy. Thời tiết thuận lợi cho sầu riêng kết trái đang mang tới tâm lý phấn khởi cho nông dân, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi.
Bên cạnh những thành công trước mắt và triển vọng tỷ đô đã cận kề, vùng sầu riêng lớn nhất Việt Nam cũng ngổn ngang những nỗi lo về quản lý chất lượng, đe dọa uy tín ngành hàng, hạ thấp hiệu quả kinh doanh hoặc khiến doanh nghiệp thua mua -xuất khẩu bị thua lỗ. Thực tế đang đòi hỏi những biện pháp gỡ rối, nhất là về nguồn nhân lực và công tác quản lý… để đảm bảo chất lượng sản phẩm có thể theo kịp với sản lượng đang tăng rất nhanh.
Là đại diện tại Việt Nam của Hiệp hội Nông sản Thái Lan - Trung Quốc, có cơ sở kinh doanh sầu riêng tại Đắk Lắk, ông Hà Nguyễn Anh Thanh đánh giá rất cao lợi thế của Đắk Lắk và Việt Nam trong sản xuất, xuất khẩu sầu riêng. Tuy nhiên, hiện tại chất lượng sầu riêng Đắk Lắk lại nặng tính may rủi vì tỉnh không có quy trình kiểm soát chất lượng, đang kéo lùi lợi thế của tỉnh.
Theo ông Thanh, chất lượng của trái sầu riêng khi thu hoạch phụ thuộc vào nhiều khâu, như tuyển - cắt ngoài vườn, kiểm định - phân loại tại kho và dùng chế phẩm ủ chín tùy theo độ tuổi trái cây. Tất cả các khâu này, đang hoàn toàn phụ thuộc vào đội ngũ “thợ gõ” và “thợ cắt”. Đội ngũ này ở Đắk Lắk hiện đang rất thiếu và yếu nên tỷ lệ trái non trong các lô hàng xuất khẩu còn cao, bị hư hỏng khi tới nơi tiêu thụ và bị thải loại hàng loạt, gây mất uy tín thương hiệu và khiến doanh nghiệp có thể thua lỗ.
"Như ở Thái Lan thì tất cả thợ cắt đều có thẻ hành nghề, còn ở VN mình thì không có nghề. Có bạn thợ cắt vốn là thợ sửa xe, đi theo thợ cắt và họ xin được cắt luôn, cho nên họ cắt trái non. Nếu thợ cắt trái non, về kho mà thợ gõ phát hiện được thì chủ kho chỉ lỗ những trái non đó thôi. Còn nếu không gõ được thì khi sang đến chợ (Trung Quốc, trong 1 thùng hàng 6 trái, có một trái hư thì họ sẽ quăng bỏ cả thùng" - ông Thanh nói.
Năm 2023, Đắk Lắk thu được 281.000 tấn sầu riêng, tăng 90.000 tấn so với năm 2022, tương đương mức tăng gần 50%. Vụ sầu riêng năm nay sẽ bắt đầu sau 4 tháng nữa với sản lượng có thể tăng thêm khoảng 100 nghìn tấn, và ngành sầu riêng sẽ có thể cán mốc giá trị 1 tỷ đô la.
Tuy nhiên, thách thức chất lượng với sầu riêng Đắk Lắk không chỉ ở đội ngũ thợ cắt thiếu và yếu, mà khâu canh tác-phòng trừ dịch hại ở các vùng trồng cũng đối diện với nhiều câu hỏi. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Păc, nơi trồng sầu riêng nhất của tỉnh hồ sơ nhiều vùng trồng đã được cấp mã số ở huyện là quá sơ sài; các yêu cầu kỹ thuật, quy trình chăm sóc được thực hiện một cách chiếu lệ.
"Nhiều đại diện của vùng trồng chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm với các hộ dân tham gia, như tập huấn kỹ thuật, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Và khi được yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan thì không phối hợp, mặc dù chúng tôi đã thông báo và trực tiếp xuống nhiều lần. Và hiện nay, chưa có chế tài xử lý nên việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn" - ông Hoàng cho biết.
Thực tế cho thấy, ngay từ năm 2022, năm đầu tiên sầu riêng Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch, các ngành chức năng ở tỉnh đã phát hiện những lỗ hổng trong nhiều khâu của ngành sầu riêng. Nổi cộm trong đó là việc nông dân tố doanh nghiệp gian dối trong thiết lập vùng trồng và xin cấp mã số. Năm 2023, tỉnh tiếp tục phát hiện những bê bối liên quan đến làm giả hồ sơ để được cấp thêm con dấu của Hợp tác xã có vùng trồng xuất khẩu, làm giả giấy tờ ủy quyền xuất khẩu sầu riêng. Còn sang năm nay, đã phát hiện thêm những vùng trồng được cấp mã, nhưng không có hoạt động thực chất; việc xử lý của cơ quan quản lý cũng chưa đạt được tiến triển thực chất nào.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, các biện pháp xử lý chỉ có thể được đưa ra sau khi có những xem xét thận trọng: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu những trường hợp này một cách cụ thể để rồi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh để ngăn chặn việc lợi dụng mã số vùng trồng để đưa sản phẩm nơi khác vào để xuất khẩu, hoặc có những yếu tố gian lận, để tất cả những vấn đề này được xử lý nghiêm".
Cùng với ưu thế lệch vụ với đa số vùng trồng sầu riêng trong nước và ở khu vực giúp giảm áp lực cạnh tranh, Đắk Lắkcòn có vị trí địa lý quốc gia thuận lợi để nhanh chóng đưa sầu riêng quả tươi đến thị trường Trung Quốc với chất lượng tốt nhất. Đắk Lắk cũng có lợi thế là trung tâm của vùng Tây Nguyên, gần với “ngã ba Đông Dương”-nơi có các vùng sầu riêng ở Lào và Campuchia.
Một số doanh nghiệp cho rằng, nếu kịp thời gỡ rối các vấn đề nội tại, với hạ tầng giao thông- kỹ thuật đi trước các tỉnh khác, Đắk Lắk có thể thu hút nguồn hàng từ Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Nam Lào và Đông bắc Campuchia, để trở thành một trung tâm sầu riêng phồn thịnh. Trong khi còn thiếu các quy định và chế tài cho việc kiểm soát chất lượng chặt chẽ, Đắk Lắk có thể đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao tay nghề của các thợ cắt - thợ gõ sầu riêng, nguồn nhân lực then chốt trong đảm bảo chất lượng sản phẩm.