Đắk Lắk vượt chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia

Sáng 7/4, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.

Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột - một trong những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh

Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột - một trong những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’ Yim K’đoh và Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa chủ trì Hội nghị.

Sau gần 5 năm triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, ngành Giáo dục Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô mạng lưới trường lớp ngày càng khang trang, hiện đại; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; liên tục dẫn đầu khu vực về thành tích học sinh giỏi quốc gia.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có 1.025 trường học, 15.756 lớp, với 479.347 học sinh từ mầm non đến cấp trung học phổ thông (THPT), trong đó có 92 trường ngoài công lập; So với năm 2016 tăng đã tăng thêm 20 trường, 1.015 lớp và 13.706 học sinh. Số lượng học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 38,9%.

Tính đến 31/12/2020 toàn tỉnh có 529/1.021 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 52% vượt 2% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Cụ thể: Cấp học mầm non có 110/ 329 trường, chiếm 33%. Cấp học tiểu học có 251/400 trường, đạt 63%. Cấp học THCS có 144/235 trường chiếm tỷ lệ 61%. Cấp học THPT có 24/57 trường chiếm tỷ lệ 24%.

Đặc biệt, mặc dù các huyện vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, tuy nhiên trong giai đoạn này, đã có 3 địa phương hoành thành vượt chỉ tiêu đăng ký trường đạt chuẩn quốc gia, gồm các huyện Ea Kar, Ea Súp và Krông Năng.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa phát biểu tại hội nghị

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa nhấn mạnh: “Việc đạt, và vượt chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, không chỉ là số liệu đơn thuần, mà là kết quả của mồ hôi, công sức, là sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách của toàn ngành GD&ĐT. Từ việc xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với thực tế, triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp đến tham mưu các văn bản để tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, đơn vị triển khai thực hiện một cách đồng bộ, khoa học đều được ngành GD&ĐT tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Ông Đoàn Xuân Dũng, Nguyên Phó trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT cho biết: “ Khi xây dựng Kế hoạch, chúng tôi phải khảo sát, rà soát kỹ lưỡng thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục của các nhà trường trong gia đoạn 5 năm trước đó.

Tiếp đến, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn các nhà trường lập kế hoạch cũng như xây dựng lộ trình rõ ràng. Khi tư vấn, chúng tôi yêu cầu Hiệu trưởng các trường làm kỹ khâu rà soát, đối chiếu các tiêu chí, tiêu chuẩn với điệu kiện thực tế của nhà trường để đưa vào lộ trình. Mỗi trường có những đặc thù riêng, chúng tôi phải có những dự báo cẩn thận và sát thực tế thì mới có được kết quả như mong muốn”.

Tại lễ tổng kết, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 24 cá nhân, 17 tập thể; Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen cho 12 cá nhân và 16 tập thể có thành tích xuất sắc

Tại lễ tổng kết, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 24 cá nhân, 17 tập thể; Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen cho 12 cá nhân và 16 tập thể có thành tích xuất sắc

“Chúng tôi rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để chính quyền địa phương, các mạnh thường quân hiểu, đồng lòng và hỗ trợ đầu tư nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Định kỳ hàng tháng, chúng tôi đều nhờ lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở GD-ĐT tư vấn, dự báo về những khó khăn, những chỗ chưa đạt yêu cầu để đưa vào kế hoạch nhằm hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn của một trường học đạt chuẩn quốc gia”, bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn nói.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dak-lak-vuot-chi-tieu-xay-dung-truong-hoc-dat-chuan-quoc-gia-wUBTU8lGR.html