Đắk Lắk: Xu hướng người trẻ 'gõ cửa' trường nghề

Xã hội phát triển mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới, mức thu nhập hấp dẫn cùng môi trường làm việc chuyên nghiệp nên nhiều bạn trẻ ở tỉnh Đắk Lắk đã nắm bắt thời cơ, quyết định học nghề chứ không theo đuổi mục tiêu vào đại học bằng mọi giá. Đây cũng là mục tiêu mà ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đang hướng tới.

Tranh thủ thời gian nghỉ hè, em Hồ Thảo Như BKrông ở xã Ea Na, huyện Krông Ana đăng ký khóa học may 3 tháng tại một cơ sở ở gần nhà. Mới học được một tháng, Thảo Như đã làm quen với máy may, biết cách ráp một chiếc áo hoàn chỉnh. Em còn tự may một chiếc váy cho mình theo ý thích. Theo Thảo Như, nghề may không khó nhưng phải kiên trì, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ.

Em Hồ Thảo Như BKrông theo học nghề may tại một cơ sở gần nhà.

Em Hồ Thảo Như BKrông theo học nghề may tại một cơ sở gần nhà.

Chia sẻ về quyết định đi học may, Thảo Như nói, muốn học để tự sửa, may đồ theo sở thích của mình và trải nghiệm xem bản thân yêu thích ngành nghề gì. Ngoài nghề may, Thảo Như cũng đang quan tâm đến nghề chăm sóc sắc đẹp. Bởi theo em, đó là nghề có thời gian đào tạo ngắn và cơ hội việc làm, thu nhập khá cao. Tuy vậy, em cũng ý thức được, dù lựa chọn nghề nào, bản thân phải thực sự nghiêm túc, kiên trì và làm chủ được tay nghề, có như vậy mới tồn tại và phát triển sâu hơn trong công việc sau này. Thảo Như tâm sự: “Năm học tới em lên lớp 11, Trường THPT Phạm Văn Đồng. Em dự định sau khi học xong lớp 12 sẽ theo học nghề chứ không thi vào đại học. Bởi bố mẹ em đều làm nông, cuộc sống cũng không khá giả lắm. Em lại là con cả trong gia đình, sau em còn có hai em nhỏ nữa. Do đó, em muốn học nghề để sớm có việc làm ổn định, giảm được gánh nặng chi phí học hành cho gia đình”.

Chị H’Huyền BKrông, mẹ Thảo Như cho hay, khi nghe được tâm tư của con, chị rất cảm động vì con đã thực sự trưởng thành, biết suy nghĩ cho gia đình và định hướng được tương lai. Nếu con muốn học lên đại học, gia đình sẽ cố gắng, còn muốn học nghề, gia đình cũng ủng hộ. Chị không quan niệm cứng nhắc con phải có được tấm bằng đại học mà quan trọng năng lực của con đến đâu, sở thích là gì. Chị chỉ mong con có một ngành nghề phù hợp, ổn định để cuộc sống tốt hơn.

Cũng quyết định theo học nghề sau khi tốt nghiệp THPT, đến nay Lê Thị Hương ở xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin đã có công việc ổn định với nghề làm đẹp. Hương cho biết, hai năm trước quyết định học nghề vì thấy xung quanh có nhiều trường hợp cầm bằng đại học nhưng không xin được việc làm. Do đó, Hương muốn học nghề để giảm thời gian, chi phí học tập. Sau khi tìm hiểu một số ngành nghề đang thịnh hành, Hương quyết định theo đuổi lĩnh vực làm đẹp. Học được 3 tháng, Hương có thể kiếm được tiền từ việc làm một số công việc đơn giản như: Gội đầu, mát-xa da mặt, làm móng tay cho khách... Có tiền, Hương tiếp tục đăng ký các khóa học chuyên sâu về thẩm mỹ, phun xăm... Với những gì bản thân đã trải nghiệm, Hương chia sẻ, cơ hội nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng, điều quan trọng là người học phải chọn đúng lĩnh vực mình yêu thích, tìm đến cơ sở đào tạo uy tín và lưu ý, nghề nào cũng đòi hỏi sự chăm chỉ, chịu khó, sáng tạo, với những nghề liên quan đến lĩnh vực làm đẹp, thời trang... thì sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Để không bị lạc hậu, người làm nghề phải thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức mới, chủ động, sáng tạo sẽ thành công.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, địa phương đang triển khai đề án phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Theo đề án, mỗi năm tỉnh Đắk Lắk chỉ tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT (kể cả hệ giáo dục thường xuyên). Số học sinh còn lại, các em có thể vào hệ thống các trường nghề để vừa học kiến thức vừa kết hợp học nghề. Đây cũng là xu hướng chung của các học sinh cũng như đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội hiện nay. Tuy nhiên, do cơ sở đào tạo nghề ở tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu nên Đắk Lắk hiện vẫn tuyển dưới 80% học sinh vào THPT. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cố gắng giảm tỷ lệ học sinh vào THPT để phân luồng giáo dục theo đề án, đồng thời nâng cao hệ thống đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu học nghề.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dak-lak-xu-huong-nguoi-tre-go-cua-truong-nghe-732950