Đắk Nông đề xuất giải pháp phát triển hài hòa giữa khai thác bô xit với phát triển KT-XH
Trong những năm qua, khai thác bô xit đã và đang đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Nông cả về ngân sách cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, bô xit là một loại khoáng sản có tính chất đặc thù, dẫn đến mâu thuẫn, xung đột trong phát triển bô xit và các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội khác khi áp dụng Luật Khoáng sản năm 2010.
Tại Hội thảo lấy ý kiến góp cho Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được tổ chức vào ngày 29/9 tại Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trên.
Chồng lấn giữa quy hoạch khai thác bô xit và phát triển kinh tế xã hội của địa phương
Theo Giám đốc sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, từ năm 2016 đến nay, Công ty Nhôm Đắk Nông đã nộp ngân sách cho tỉnh hơn 1.413 tỉ đồng, hàng năm đóng góp cho ngân sách hơn 6% tổng thu ngân sách của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho gần 600 lao động của địa phương với diện tích đã khai thác đến ngày 31/12/2022 là 381,38 ha.
Tuy nhiên, bô xit là một loại khoáng sản có tính chất đặc thù. Mặc dù không phải vật liệu xây dựng thông thường nhưng lại rất phổ biến, phân bố trên diện tích rất rộng nhưng độ dày thân quặng không sâu; mặc dù chiếm diện tích lớn nhưng giá thành lại thấp; mặc dù phân bổ ở vùng đồi núi, nhưng không phân bổ ở vực sâu, thung lũng nơi dân cư thưa thớt, mà nằm ở những khu vực trên đỉnh đồi đến sườn đồi là nơi phù hợp cho xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng giao thông, canh tác nông nghiệp… Những đặc thù này đã dẫn đến mâu thuẫn, xung đột trong phát triển bô xit và các vấn đề phát triển kinh tế xã hội khác khi áp dụng Luật Khoáng sản năm 2010.
Một trong số đó là vấn đề chồng lấn giữa quy hoạch khai thác bô xit và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thực trạng các vướng mắc, tồn tại ở đây là mâu thuẫn giữa chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất và quy hoạch thăm dò, khai thác bô xit; trì hoãn sự phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ an sinh xã hội trong khu vực có khoáng sản; nguy cơ lãng phí tiềm năng sử dụng đất.
Ông Hiệp lý giải nguyên nhân là do chưa có sự thống nhất giữa Luật Quy hoạch và Luật Khoáng sản trong việc thực hiện các dự án tại khu vực quy hoạch khai thác, thăm dò khoáng sản.
Để có thể phát triển hài hòa giữa khai thác bô xit với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội khác của địa phương, cũng như tránh lãng phí tiềm năng sử dụng đất, ông Hiệp đề nghị Luật Địa chất và Khoáng sản cần có quy định đặc thù đối với bô xit. Theo đó, cần đổi mới quan điểm trong tổ chức thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác bô xit trên nguyên tắc được triển khai song song với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương tại những khu vực chưa có nhà đầu tư tiến hành khai thác bô xit.
Đồng thời, cần có quy định mang tính định lượng về đánh giá chi phí-lợi ích để xác hiệu quả kinh tế-xã hội làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền quyết định có tiến hành thăm dò, khai thác khoáng sản trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình hay không.
Ngoài ra, cấp cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác bô xit trong phạm vi công trình. Để giảm sức ép tiến độ giải quyết công việc của cơ quan trung ương, kịp thời đáp ứng nhu cầu đầu tư, ông Hiệp đề nghị có hướng phân cấp cho địa phương trong việc giao trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước rà soát khoáng sản bô xit trong phạm vi công trình dự án, quyết định việc khai thác, thăm dò khai thác bô xit.
Gỡ vướng trong san gạt, cải tạo mặt bằng với dự án triển khai trong khu vực bô xit
Một vấn đề mâu thuẫn khác được Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đề cập là vướng mắc trong san gạt, cải tạo mặt bằng đối với các dự án được phép triển khai trong khu vực phát hiện có bô xit.
Theo ông, hiện nay cả khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với bô xit cũng như quy hoạch thăm dò, khai thác bô xit đều chưa làm rõ khái niệm thế nào là khu vực có khoáng sản. Trong khi đó, đất ba zan ở khu vực Tây Nguyên thường chứa nhiều khoáng vật kim loại như nhôm, sắt, hoặc một số khu vực có chứa quặng bauxit laterit và quặng sắt laterit.
Ông Hiệp kiến nghị làm rõ khái niệm thế nào là khu vực có khoáng sản. Trong đó, nên xem xét bổ sung quy định về đất có hàm lượng kim loại không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng đã được Bộ TN&MT phê duyệt tại các mỏ kim loại tương tự thì được xem làm vật liệu xây dựng thông thường.
Mặc khác, việc điều phối đất trong phạm vi công trình hoặc vận chuyển đất dôi dư qua các dự án khác không làm thất thoát khoáng sản bô xit. Các công trình sau khi hết vòng đời dự án thì bô xit vẫn có thể được tiến hành khai thác và sử dụng. Do đó đề nghị Dự thảo Luật Địa chất Khoáng sản bổ sung điều khoản đặc thù đối với bô xit là việc sử dụng đất có bô xit để làm vật liệu san lấp trong quá trình san gạt, hạ cốt nền, cải tạo mặt bằng các dự án, hộ gia đình cá nhân được xem xét giải quyết như là vật liệu xây dựng thông thường.
Khó khăn cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đắk Nông cũng được Giám đốc sở TN&MT tỉnh Đắk Nông nhắc đến, cụ thể đó là khó khăn trong việc không quy hoạch các mỏ vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô xit.
Để tháo gỡ khó khăn này, ông kiến nghị cần có cơ chế đặc thù khi xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản trong việc quy hoạch đồng thời việc khai thác bô xit và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên một diện tích trong cùng một không gian để có thể đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu xây dựng cơ bản cho tỉnh.
Mặt khác, với tổng diện tích đất quy hoạch cho khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường rất nhỏ so với diện tích quy hoạch bô xit nên vấn đề quy hoạch các mỏ vật liệu xây dựng thông thường sẽ có nguy cơ tác động lớn đến việc giảm sản lượng khai thác bô xit trong kỳ quy hoạch.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông mong rằng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ có những quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực có khoáng sản bô xit.