Đăk Nông: Địa phương để xảy ra phá rừng lớn thứ 4 cả nước
Theo Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đắk Nông là địa phương có số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp lớn thứ 4 cả nước, cần nhanh chóng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Tổng cục Lâm nghiệp xác định trong 11 tháng năm 2022, tại Đắk Nông đã xảy ra 440 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, có 308 vụ phá rừng trái pháp luật, làm thiệt hại 63ha rừng các loại. Theo số liệu trên, Tổng Cục Lâm nghiệp xác định Đắk Nông là tỉnh có số vụ phá rừng lớn thứ tư cả nước.
Để kịp thời chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời, chấn chỉnh trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có hơn 329.000ha rừng và đất quy hoạch là đất lâm nghiệp. Diện tích đất có rừng hơn 248.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,15%, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Trong khi đó, theo PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, để có thể ngăn chặn tình trạng phá rừng trái và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp cần có những giải pháp căn cơ. Trước hết phải có đánh giá, thống kê phân loại hiện trạng rừng để báo cáo với Chính phủ và công bố công khai những số liệu, công tác quản lý, kết quả xử lý các vụ vi phạm.
“Rừng cần phải được đặt đúng vị trí quan trọng vốn có, bởi rừng liên quan đến việc biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, tôi đề nghị các tỉnh, địa phương có rừng rà soát một cách nghiêm chỉnh, để có thống kê, phân loại chính xác hiện trạng để báo cáo thực với Chính phủ.
Nên có đánh giá về diện tích rừng bị mất theo từng giai đoạn, công bố công khai số liệu các vụ việc, nguyên nhân bị mất rừng, công tác quản lý, kết quả xử lý các vụ vi phạm để thể hiện sự nghiêm túc trong việc quản lý, bảo vệ rừng của từng địa phương.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách cho những lực lượng bảo vệ rừng. Cụ thể, đối với lực lượng bảo vệ rừng (ngành kiểm lâm – PV), người dân trồng rừng phải đảm bảo được cuộc sống cho họ, phải có chế độ để họ gắn bó, yên tâm giữ rừng, trồng rừng và yêu rừng.
Ngoài ra, cần kịp thời tuyên dương, khen thưởng đối với những địa phương, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ rừng. Bởi vì, ngoài vật chất thì câu chuyện tinh thần đối với những người trồng rừng, giữ rừng là rất quan trọng. Ngược lại, nếu địa phương nào chưa làm tốt công tác bảo vệ rừng, xảy ra mất rừng cần phải công khai danh tính, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ tất cả những cơ sở chế biến gỗ, xem nguồn nguyên liệu được nhập từ đâu, nhập như thế nào? Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm hoặc đang tiêu thụ gỗ không rõ nguồn gốc từ rừng cần phải xử lý nghiêm. Đồng thời, cơ quan chức năng phải giám sát chặt những cơ sở chế biến gỗ, thực hiện kiểm tra đột xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ phải có nguồn gốc rõ ràng. Có như vậy thì nạn phá rừng mới được đẩy lùi”.