Đắk Nông - vùng đất lành Nam Tây Nguyên
Ngày 23/3, tròn 49 năm giải phóng Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (2004 - 2024). Đắk Nông - theo tiếng M'nông có nghĩa là 'suối nước từ quả bầu'. Từ vùng đất hoang sơ nghèo khó, Đắk Nông đã vươn lên mạnh mẽ và hiện đang phấn đấu phát triển thành tỉnh khá của vùng Tây Nguyên.
Thong dong dạo bộ trên con đường trước nhà, phía trước là Quảng trường trung tâm đang thi công, ông Lê Trúc Phương kể, năm 1975, sau khi giải phóng Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức cũ được sát nhập vào tỉnh Đắk Lắk. Cả hệ thống chính quyền cùng người dân đã chung sức đồng lòng kiên trì vượt khó, đẩy lùi sự chống phá của bọn fulro, và bảo vệ vững chắc biên giới trong cuộc chiến chống quân Khme đỏ năm 1979.
Gắn bó với vùng đất này từ những ngày tham gia Ủy ban quân quản năm 1975, rồi có 2 nhiệm kỳ liên tiếp làm Bí thư Huyện ủy Đắk Nông (thuộc tỉnh Đắk Lắk cũ), ông Lê Trúc Phương nhìn nhận, Gia Nghĩa - Đắk Nông nhanh chóng vươn lên từ khi tái lập tỉnh năm 2004: “Trong 20 năm đó thì Gia Nghĩa đã thay đổi từng ngày một. Có thể hình dung là trước đó Đắk Nông mới nhận được lưới điện quốc gia, cơ sở hạ tầng còn thấp, y tế giáo dục văn hóa xã hội rất nghèo, rất khó khăn, ví dụ, cả thị xã chỉ có 1 trường cấp 3, đi thi thời điểm đó đường sá khó khăn, xe cộ cũng thiếu. Nhưng đến bây giờ thì thay đổi toàn bộ rồi”.
Kinh tế xã hội tỉnh Đắk Nông đã thay đổi toàn diện qua 20 năm. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 24.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 68 triệu đồng, gấp 12 lần so với năm 2004. Với tốc độ giảm nghèo nhanh thuộc top đầu cả nước, Đắk Nông đã thoát khỏi diện tỉnh nghèo từ 3 năm trước. Những tiềm năng lợi thế của vùng đất này đang từng bước được khai thác có hiệu quả với mục tiêu phát triển thành tỉnh khá của vùng Tây Nguyên.
Sau 20 năm từ bỏ công việc kinh doanh ở TP.HCM đến vùng đất mới Đắk Nông làm nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trung, ở xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, đã có trang trại sầu riêng 17 ha, cho doanh thu cả chục tỷ đồng mỗi năm.
“Năm 2004 thành lập tỉnh thì tôi có dịp đi ngang qua Đắk Nông. Tôi thấy đất rộng, người thưa, khí hậu ôn hòa, tôi quyết định mua đất đầu tư ở đây, chuyên canh trồng sầu riêng. Những năm đầu cũng vất vả lắm. Đến giờ thì trang trại đã được cấp mã số vùng trồng ngay trong đợt đầu của tỉnh”.
Với nhiều tiềm năng lớn, Đắk Nông hiện đang tiếp tục đổi thay mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc hệ thống bệnh viện tại nhiều tỉnh thành phố cho biết, ấn tượng với sự nhiệt thành của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, nhận thấy những tín hiệu tích cực trong môi trường kinh doanh, doanh nghiệp đã nhanh chóng quyết định đầu tư vào địa phương này.
“Hiện giờ chúng tôi đến Đắk Nông đầu tư cùng lúc 2 bệnh viện: thứ nhất là bệnh viện tại Thành phố Gia Nghĩa và bệnh viện thứ hai là tại huyện Cư Jút. Thí điểm lại quá trình đầu tư ở các tỉnh, yếu tố nhanh là cực kỳ quan trọng. Mà muốn nhanh là phải minh bạch, rõ ràng, công khai, phải giải quyết liên tục mọi chuyện để làm sao cho nhà đầu tư có kết quả nhanh nhất”, ông Nguyễn Văn Châu nói.
Ở cửa ngõ phía nam của Tây Nguyên nối với vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Đắk Nông có rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, đó là mỏ quặng bô-xít được đánh giá có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Tỉnh cũng trong top đầu cả nước về tiềm năng phát triển các loại năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nguồn nước tương đối dồi dào là lợi thế để Đắk Nông phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi quy mô lớn.
Nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, hồ Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên” cùng với bản sắc văn hóa truyền thống của 40 dân tộc anh em, Đắk Nông là miền di sản hấp dẫn với du khách.
“Đất lành, chim đậu”, đến nay, Đắk Nông đã thu hút được 412 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký 85.500 tỷ đồng. Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, kỳ vọng, thời gian tới tỉnh sẽ thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư, là những “con sếu đầu đàn”, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế xã hội.
“Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 12 xác định 3 trụ cột của nền kinh tế, gồm: phát triển công nghiệp bô-xit alumin nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững theo chuỗi giá trị; khai thác và phát triển tiềm năng du lịch. Đồng thời, tỉnh lựa chọn 3 đột phá chiến lược: cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là cải cách hành chính; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi luôn chú trọng khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, phát huy sức mạnh đoàn kết của cán bộ đảng viên và nhân dân các dân tộc để đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững”, ông Hồ Văn Mười cho biết.
Đắk Nông - theo tiếng M'nông có nghĩa là “vùng đất của suối nước bầu” (Đắk: Nước, Nông: Quả bầu). Sau 20 năm tái lập tỉnh, vùng đất lành đang thu những thành quả ngọt từ sự đổi thay mạnh mẽ. Những tiềm năng, thế mạnh đang dần được Đắk Nông khai thác có hiệu quả, hướng đến mục tiêu “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dak-nong-vung-dat-lanh-nam-tay-nguyen-post1084407.vov