Đak Rong trong tôi

Đak Rong với tôi là một nơi vừa xa vừa lạ, gặp lần đầu thấy thương mến, để khi xa rồi lại nhớ mãi không quên. Tôi nhớ, lần đầu mình đến Đak Rong để thăm người thân là vào mùa hè năm 2003, khi vừa mới tốt nghiệp THPT.

Tôi đã bị choáng ngợp bởi màu xanh của rừng. Rất nhiều thân cây to, cao vòi vọi, thân thâm nâu xù xì. Cây liền cây, cành đan cành, tán chồng tán, cứ thế đại ngàn Đak Rong như một mái lợp xanh mát lạnh khổng lồ. Dưới vòm xanh ấy còn có đủ các loại cây cao, thấp, lớn, bé hân hoan đón ánh mặt trời. Tôi đã từng tự hỏi: Rừng có tự bao giờ? Có phải từ thuở trời bắt đầu biết xanh và nắng bắt đầu rực rỡ? Không biết lá cây đã đón bao nhiêu ánh nắng, rễ cây đã đâm sâu uống bao nhiêu nước lành, cây đã vững vàng hiên ngang qua biết bao mùa mưa nắng? Chỉ thấy lá vàng rụng xuống thì đầu cành lá non nhú lên; cây già nua, khẳng khiu thì dưới gốc có cây “thanh niên” sum suê, cây “thiếu niên” mập ú, cây “sơ sinh” đang đội đất nảy mầm. Cứ thế, cứ thế… năm này qua năm khác, đủ loài nối tiếp nêm chặt vào nhau mà sinh sôi phát triển.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Đêm. Đêm ở Đak Rong có chút gì thật huyền bí. Ngày ấy, nơi này còn chưa có điện, nên ngắm trời đêm thật là một thú vui mà đâu phải ai cũng có được. Đứng giữa sân nhà nhìn lên, trời có vẻ thấp xuống. Có phải vì nơi đây địa hình cao mà mắt ta lại nhìn trời từ vùng đồng bằng đã quen? Bầu trời y hệt một tấm thảm nhung đen, ai đem dát nửa chiếc lắc vàng rồi đính muôn ngàn hạt kim cương lên đó. Trăng non đầu tháng ẩn hiện sau rừng già làm tôi lại tưởng tượng đến khung cảnh trong “Mảnh trăng cuối rừng”. Có lẽ, Lãm và Nguyệt gặp nhau cũng trong một đêm trăng trong veo chốn rừng sâu như vậy.

Tôi đưa tầm nhìn về mặt đất, một màu đen tuyền bao phủ cả một vùng bao la rộng lớn. Rừng thâm u, bí hiểm. Những rẫy cà phê cũng tối đen. Chỉ đâu đó le lói mấy ánh lửa, hay ánh đèn dầu hắt qua khe gỗ mỏng từ những ngôi nhà ván thưa thớt nằm lọt thỏm giữa rẫy mênh mông. Rồi chợt nghĩ, mình từ xa tới và chỉ dăm bảy ngày ở chơi, với mình đấy là cái thú, nhưng với người lao động nơi đây thì dường như là nỗi vất vả, nhọc nhằn. Trong những căn nhà tạm đó, có thể giờ là những bữa cơm với cá khô hay lá mì nấu đắng. Ngoài đường vẫn còn có bước chân ai đi rẫy về muộn. Đêm càng tĩnh lặng, trăng sao càng sáng, tiếng suối chảy dưới chân đồi nghe càng trong. Về đêm, trời lạnh buốt, gió lùa qua khe gỗ nghe vi vu. Có tiếng cồng chiêng nơi làng xa nào đó vọng lại. Bên bếp lửa bập bùng, họ đang ăn mừng mùa lúa mới hay buôn làng có người về với đất? Âm thanh ấy vọng suốt đêm len vào giấc mơ của người khách lạ.

Sớm mai thức dậy, nằm trong chăn ấm tôi đã nghe tiếng chim rúc rích ngoài vườn, có tiếng cu gáy gọi bạn sau rừng xa, còn con suối dưới chân đồi uống ánh mai mà ngân nga bản nhạc không lời. Mở cửa nhìn ra, tôi gặp màn sương nhẹ giăng mắc không gian, bồng bềnh, huyền ảo. Hoa tỉ muội bên kia đường khoe sắc, bờ lau xám đung đưa thấp thoáng bên bờ suối. Ngắm nhìn cảnh vật, tôi chợt nghĩ, liệu có phải thuở trời đất nguyên sơ cũng đẹp như thế? Nhưng người thân của tôi ở đây bảo, đó là khi mưa chưa rơi và gió chưa thổi. Mùa khô, chỉ một trận gió, chưa kể xe cộ vù qua, là từng cơn lốc bụi mù tung trời. Bụi đỏ nhuộm lên cây lá, bám vào quần áo, lọt vào cả nền nhà. Còn mùa mưa xối xả, triền miên, có khi mấy ngày liền mặt trời ngủ quên trong tầng mây dày, để cho nhân gian thèm chút ánh nắng mà không có. Tìm hiểu thêm tôi còn biết, bà con nơi đây gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Nhưng họ luôn cần cù làm lụng để nụ cười nở tươi sau những cành cà phê lúc lỉu, đỏ tươi. Là những người con của núi rừng, họ khỏe mạnh, rắn rỏi, an nhiên.

Xưa là thế, nhưng nay Đak Rong ngày một khang trang, khởi sắc. Tôi nghe bạn bè ở đây kể, Đak Rong nay đã khác: đường rải nhựa êm ru, điện sáng trưng, nhà xi măng cốt thép đã thay thế nhà ván, các nhà mạng về đến tận làng. Dẫu cái mưa, cái gió, cái bụi của đất trời vẫn vậy nhưng đã bớt khó khăn hơn cho người dân.

Còn tôi, tôi lại mong mình sớm được về thăm vùng đất Đak Rong này.

TRẦN THỊ NHUNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dak-rong-trong-toi-post246232.html