Đảm bảo an ninh nguồn nước
Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 23/10). Theo bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm an toàn an ninh nguồn nước, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở mức cao nhất trong mọi tình huống, nhất là tác động của biến đổi khí hậu hiện nay.
Bà Bùi Thị An cho rằng, an ninh nguồn nước chính là vấn đề an ninh quốc gia. Phải có đủ nước sạch, đủ tiêu chuẩn cho người dân sinh hoạt, và các ngành, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phục vụ sản xuất. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát là bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống. Mục tiêu xác định đến năm 2025 có 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, đến năm 2030 có 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; đến năm 2045 bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.
“Hiện tại chúng ta chưa đủ nước sạch theo quy chuẩn cho người dân sử dụng. Nguyên nhân là do một số nguồn nước, kể cả nước mặt và nước ngầm đang bị ô nhiễm. Từ sông, suối, ao, hồ, mạch nước ngầm ô bị nhiễm do khai thác khoáng sản, bãi rác chôn lấp nên nguồn nước sạch cũng dần cạn kiệt” - bà An chỉ rõ.
Đặc biệt với đặc điểm vị trí địa lý của Việt Nam là vùng hạ lưu, 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ do đó nhiều yếu tố chúng ta bị phụ thuộc bởi quốc tế. Cho nên đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề của an ninh quốc gia, là vấn đề vô cùng quan trọng. Mục tiêu quan trọng của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) không những phải đảm bảo đủ nước sạch theo quy chuẩn để người dân sử dụng, mà còn phải đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân ở mức cao nhất trong mọi tình huống, nhất là trước biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt và Việt Nam là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng mạnh nhất, theo bà An, cần quy hoạch quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Trong đó, xác định khai thác ở đâu, nước mặt hay nước ngầm? Sau khi khai thác thì xử lý thế nào để đảm bảo nước đến người dân được đảm bảo quy chuẩn. Bởi hiện một số nơi đã cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhưng nước vẫn “bẩn”, còn chứa hàm lượng độc tố, chưa đảm bảo quy chuẩn. Cho nên cần kiểm tra và giám sát đối với những đơn vị cung cấp nước nhưng “chưa sạch” cho người dân sử dụng. “Phải làm thế nào sau khi quy hoạch, cho khai thác xong thì kiểm tra công nghệ, xử lý nước trước khi cung cấp nước đến cho người dân sử dụng thực sự phải là nước sạch” – bà An nói đồng thời đưa ra dẫn chứng: Tại Thủ đô Hà Nội, người dân vẫn chưa được dùng nước sạch theo Nghị quyết 17 của Thành ủy. Tới đây đến năm 2025 cố gắng cung cấp đủ nước sạch cho người dân sử dụng, kể cả vùng ngoại thành. Các cơ quan quản lý phải vào cuộc giám sát thường xuyên để đảm bảo nước sạch cho người dân sử dụng, sinh hoạt thì mới thực hiện được Nghị quyết 17.
Bà An cũng cho rằng, hiện biến đổi khí hậu đang diễn biến rất phức tạp. Vì thế cần quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo hợp lý giữa khai thác và sử dụng nguồn nước. Từ đó làm căn cứ cho quy hoạch về trữ lượng nước, tránh việc cho khai thác khoáng sản, cát ở bờ sông quá nhiều khiến cho dòng chảy bị chuyển hướng. Trên cơ sở quy hoạch cũng sẽ cho phép khai thác nước mặt hay nước ngầm. Từ đó có biện pháp đảm bảo nước cho người dân sinh hoạt và sản xuất. Bởi nếu chỉ phụ thuộc vào nước mưa thì khó khăn. Vì thế cần đánh giá xem trữ lượng nước ở các vùng miền, việc sử dụng, khai thác mạch nước ngầm cần phải được giám sát bằng sử dụng khoa học công nghệ.
Về vấn đề nước ao, hồ, các con sông đang bị ô nhiễm, bà An cho rằng, cần phải cứu các con sông bị ô nhiễm, xử lý tình trạng ô nhiễm dựa vào đặc thù của từng nơi. Ví dụ nước thải sinh hoạt khác với nước thải làng nghề. Và công nghệ xử lý của mỗi nơi có sự khác nhau.
Ông Nguyễn Quang Huân - Phó chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, về cơ bản dự án luật đã chỉnh sửa, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH. Luật cần tập trung vào việc bảo vệ nguồn nước, tránh ô nhiễm. Bởi hiện các quy định về bảo vệ nguồn nước cũng ở chừng mực nhất định. Nếu so với luật cũ thì luật mới đã có sự tiến bộ rất nhiều từ vấn đề lưu vực sông, không được lấy nước từ nguồn nọ sang nguồn kia mà “rẽ nước” phải do cấp có thẩm quyền cho phép theo từng cấp. Nhưng chưa đề cập sâu đến việc cơ quan nào bảo vệ nguồn nước. Nếu như vậy thì không rõ trách nhiệm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dam-bao-an-ninh-nguon-nuoc-5741382.html