Đảm bảo an sinh cho người khuyết tật
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Phú Yên tặng xe đạp cho trẻ em khuyết tật. Ảnh: HOÀNG LÊ
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người khuyết tật (NKT) học nghề, hưởng các chính sách bảo trợ xã hội, giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng.
Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh có 26.749 NKT (nữ 13.312 người). Trong đó, khuyết tật vận động 11.392 người, chiếm tỉ lệ 42,59%, khuyết tật nghe nói 1.941 người (7,26%), khuyết tật nhìn 2.620 người (9,79%), khuyết tật thần kinh 4.358 người (16,29%), khuyết tật trí tuệ 2.061 người (7,7%) và các dạng tật khác 4.377 người (16,36%). Đa số NKT đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Vượt qua nghịch cảnh
Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật, tổ chức tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình làm hồ sơ theo quy định. Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với NKT. Nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ NKT đã được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội tổ chức thường xuyên như: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trẻ khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, sứt môi, hở hàm ếch; cấp thẻ bảo hiểm y tế; cấp xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình, dạy nghề miễn phí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí…
Với sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của bản thân, nhiều NKT cũng đã có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Anh Lê Trung Chánh (45 tuổi, ở xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa) bị tai nạn khuyết tật chân, đi lại khó khăn nên được hỗ trợ một chiếc xe lăn. Nhờ nó mà anh có thể đi lại để bán vé số, mưu sinh. Anh bày tỏ: “Sau khi bị tan nạn, tôi nghĩ đời mình coi như xong. Khi nhận được sự động viên, trợ giúp, tư vấn… của mọi người, rồi được tặng xe lăn, tôi có thêm động lực. Tôi rất cảm ơn các cấp, ngành đã hỗ trợ, giúp tôi có phương tiện tự kiếm sống qua ngày”.
Em Nguyễn Thị Bích Khuê (9 tuổi, ở thôn Phú Hữu, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) bị tật bẩm sinh từ nhỏ, hai chân không đi lại được, nhưng em rất thích đi học. Chị Nguyễn Thị Em, mẹ Bích Khuê, nói: “Sau khi sinh được ba tháng, tôi mới phát hiện hai chân của cháu không phát triển, cứ teo dần. Gia đình cố chạy chữa nhưng không hết. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã hỗ trợ cho cháu chiếc xe lăn để di chuyển”.
Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT; khơi dậy và phát huy truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của NKT được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, hiện nhiều NKT còn tự ti, gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sinh kế, nguồn vốn hỗ trợ, thiếu thông tin về sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, NKT chính là đối tượng phải đối mặt với nhiều biến chứng bệnh.
Vì vậy, theo ông Hậu, các cấp, ngành, địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn NKT trong các hoạt động xã hội. Các cơ sở bảo trợ xã hội quan tâm, chú ý nhiều hơn đến NKT trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc; hướng dẫn NKT phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng… Đồng thời hỗ trợ NKT có cơ hội việc làm phù hợp với bản thân để giúp họ vươn lên trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội.
“Theo kế hoạch của tỉnh, trong giai đoạn 2022-2030, toàn tỉnh phấn đấu cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT, hỗ trợ họ phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT. NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Địa phương hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề cho NKT…”, ông Đinh Viết Hậu cho biết thêm.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/285943/dam-bao-an-sinh-cho-nguoi-khuyet-tat.html