Đảm bảo an sinh xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường tại các làng nghề

Hiện nay, trên cả nước có hơn 5 nghìn làng nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động. Thu nhập bình quân của họ cao hơn rất nhiều so với người lao động thuần nông. Tuy nhiên, an sinh xã hội và ô nhiễm môi trường đang là hai vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động tại các làng nghề.

Ngày 22/5, tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội diễn ra tọa đàm “Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội” nằm trong Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng”, đặt ra hai vấn đề cấp thiết cần hỗ trợ cho người dân ở các làng nghề là giúp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH) và hạn chế ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.

Các diễn giả trong tọa đàm đã đưa ra những đóng góp để giải quyết các vấn đề. Ảnh Duy Khánh

Các diễn giả trong tọa đàm đã đưa ra những đóng góp để giải quyết các vấn đề. Ảnh Duy Khánh

Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có làng nghề truyền thống nổi tiếng làm tăm hương Quảng Phú Cầu, số người trong tuổi lao động lên đến gần 8 nghìn, mức thu nhập bình quân đầu người tương đối cao khoảng 72 triệu/ năm. Nhưng theo thống kê chỉ có 86 người tham gia BHXH.

Ông Ngô Xuân Giang, Giám đốc BHXH huyện Ứng Hòa cho biết, thực tế có những người dân sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để mua bảo hiểm thương mại, nhưng lại ngần ngại chi vài trăm nghìn, vài triệu để tham gia BHXH tự nguyện. Một số nguyên nhân khiến người lao động ở các làng nghề e ngại tham gia như thời gian tham gia đóng BHXH dài, chế độ thai sản, an toàn lao động còn hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn.

Số lượng người tham gia đóng BHXH tự nguyện thấp. Đây là một thiệt thòi rất lớn, khi người lao động ở các làng nghề chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, mắc những căn bệnh tác động trực tiếp đến sức khỏe, giảm “tuổi thọ” lao động, khiến họ phải về hưu sớm. Việc không tham gia bảo hiểm xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai về lâu, về dài của người lao động tại các làng nghề.

Ông Tạ Việt Anh Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cũng nhận định môi trường làng nghề đang nổi lên như một vấn đề cấp bách, nóng hổi. Cùng với việc gia tăng phát triển cả về số lượng làng nghề và loại ngành nghề, ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng, nhiều nơi vượt quá tầm kiểm soát của các cấp chính quyền. Sự phát triển “nóng” trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của làng nghề.

Số lượng lao động tham gia đóng BHXH tự nguyện thấp và ô nhiễm môi tại các làng nghề đang là hai vấn đề quan trọng cần giải quyết. (Làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu. Ảnh PV)

Số lượng lao động tham gia đóng BHXH tự nguyện thấp và ô nhiễm môi tại các làng nghề đang là hai vấn đề quan trọng cần giải quyết. (Làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu. Ảnh PV)

Trong buổi tọa đàm, các diễn giả đã gợi ý một số giải pháp thúc đẩy người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và bảo vệ môi trường tại các làng nghề. PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, cho biết, một trong những lý do quan trọng khiến người lao động ở các làng nghề khó tiếp cận BHXH tự nguyện vì công việc còn bấp bênh, thu nhập không ổn định. Cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội),.. PGS.TS đưa ra gợi ý cần phải khảo sát, nghiên cứu kỹ người lao động trong các ngành nghề, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp cần sự hỗ trợ quyết liệt hơn của nhà nước để “không bỏ lại ai ở phía sau”.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, nhận định bên cạnh việc khuyến khích, tạo sức hút cho người lao động ở các làng nghề tham gia BHXH tự nguyện. Giải quyết ô nhiễm môi trường ở các làng nghề rất quan trọng, cần có một chiến lược, một cách đi, xác định nguồn ô nhiễm ở giai đoạn nào trong quy trình sản xuất để đưa ra những giải pháp giải quyết cụ thể, đồng thời khuyến khích các làng nghề nhập thêm máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường.

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dam-bao-an-sinh-xa-hoi-gan-lien-voi-bao-ve-moi-truong-tai-cac-lang-nghe-post513415.html