Đảm bảo an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm gần đây, huyện Thường Tín luôn quan tâm đến công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC), nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ, góp phần bảo vệ tính mạng tài sản của Nhà nước và nhân dân, tạo môi trường an toàn để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiện nay, huyện Thường Tín là địa phương đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tiến tới xây dựng huyện thành quận của thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2025 - 2030. Vì vậy, các lĩnh vực xây dựng, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ, điều này càng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại các cụm, điểm công nghiệp và làng nghề truyền thống.

Theo đó, huyện Thường Tín hiện có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, có 2 kho xăng dầu lớn, 12 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 76 của hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng. Nhiều làng nghề sản xuất hàng hóa dễ cháy nổ như: Làng nghề chăn, ga, gối, đệm xã Tiền Phong; làng nghề mộc xã Vạn Điểm; nghề sơn mài Duyên Thái; mây tre đan Ninh Sở; nghề làm vàng mã Văn Bình, Duyên Thái và có 3 chợ lớn: Chợ Vồi, chợ Tía và chợ Đỗ Xá nơi giao thương hàng hóa lớn…

Công an huyện Thường Tín kiểm tra PCCC tại hộ kinh doanh nhà trọ.

Công an huyện Thường Tín kiểm tra PCCC tại hộ kinh doanh nhà trọ.

Cùng với đó, trên địa bàn huyện có rất nhiều hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, đây là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người và tài sản.

Theo thống kê của Công an huyện, 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Thường Tín xảy ra 34 vụ, trong đó 30 vụ cháy và 4 sự cố cháy, giảm 9 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Thiệt hại về người, có 3 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng trên 74 triệu đồng. Bên cạnh đó, xảy ra 8 vụ việc cần đến lực lượng cứu nạn cứu hộ, sự cố, tai nạn; tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Những năm gần đây, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) đã được các cơ quan chức năng của trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, từng bước nâng cao ý thức của nhân dân và hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thường Tín Bùi Công Thản nhận định, công tác phòng chống cháy nổ luôn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. UBND huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân PCCC; phát huy vai trò trách nhiệm của toàn dân trong đó nòng cốt là lực lượng PCCC&CNCH cơ sở, các tổ liên gia PCCC&CNCH cơ sở, bởi chính lực lượng này tiếp cận đám cháy nhanh nhất để triển khai các phương án chữa cháy, hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn.

Việc tập huấn, nâng cao kỹ năng PCCC&CNCH cho đội PCCC cơ sở luôn được huyện Thường Tín quan tâm.

Việc tập huấn, nâng cao kỹ năng PCCC&CNCH cho đội PCCC cơ sở luôn được huyện Thường Tín quan tâm.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về PCCC được quan tâm chú trọng, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thường Tín phối hợp với các xã, thị trấn, các đơn vị doanh nghiệp tổ chức 117 buổi tuyên truyền PCCC&CNCH cơ sở với sự tham dự của gần 13.000 lượt người; cấp phát 56.200 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền PCCC&CNCH; tổ chức 22 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 156 cơ sở, tổ chức 3 lớp huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn cứu hộ cho 68 cơ sở; hướng dẫn 87 cơ sở xây dựng phương án PCCC; hướng dẫn 728 cơ sở thực tập phương án chữa cháy.

Thượng tá Lê Tuấn Anh - Phó Trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết, để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong công tác PCCC, trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an huyện Thường Tín đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC&CNCH đối với 734 cơ sở; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 192 trường hợp, số tiền gần 713 triệu đồng. Tổ chức ký cam kết an toàn PCCC đối với 628 cơ sở; 9218 hộ gia đình, và hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh…

“Để đảm bảo an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC, cần nêu cao ý thức chấp hành Luật PCCC và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất và ý thức tự phòng ngừa của mỗi người dân… sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra các vụ hỏa hoạn lớn trên địa bàn”, Thượng tá Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiện nay, công tác PCCC đã và đang được từng bước xã hội hóa, phần lớn các cơ sở và người dân đã xác định được quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện công tác PCCC. Huyện đã chủ động bố trí kinh phí cho công tác này, mua sắm trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy, thực hiện nghiêm quy định an toàn PCCC tại nơi làm việc, nơi sinh sống; tham gia tích cực vào các hoạt động PCCC, triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác PCCC; tích cực tổ chức các hoạt động sôi nổi, thiết thực hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy"; đẩy mạnh phong trào xây dựng và nhân điển hình tiên tiến về PCCC; phong trào củng cố, xây dựng lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở...

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dam-bao-an-toan-chay-no-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-178576.html