Đảm bảo an toàn cho người lao động

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), dù đã có nhiều cảnh báo cũng như giám sát chặt công tác an toàn, vệ sinh lao động, tuy nhiên việc đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động vẫn còn một số tồn tại.

Để tạo môi trường an toàn lao động, công tác huấn luyện kỹ năng vệ sinh an toàn lao động nơi làm việc phải đặc biệt được coi trọng. Ảnh: Xuân Thảo.

Để tạo môi trường an toàn lao động, công tác huấn luyện kỹ năng vệ sinh an toàn lao động nơi làm việc phải đặc biệt được coi trọng. Ảnh: Xuân Thảo.

Chưa được chú trọng

Đánh giá về công tác an toàn, vệ sinh lao động, bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc; giảm số vụ tai nạn lao động, giảm thiệt hại do tai nạn lao động gây ra. Dù đã đạt được một số kết quả nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhận thấy, công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH chỉ tính riêng năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công.

Nguyên nhân, theo bà Hạnh chủ yếu là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú trọng thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Cùng với đó, nhiều người lao động còn chủ quan, hoặc chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn.

Theo ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), qua thống kê về tai nạn lao động (TNLĐ) trong khoảng 10 năm trở lại đây, hàng năm, trung bình có hơn 7.000 vụ, khoảng 700 người chết.

Tuy nhiên, quy mô thị trường lao động ngày càng tăng với khoảng 1,3 triệu lao động/năm, điều này đồng nghĩa tần suất tai nạn lao động cũng có giảm so với tốc độ tăng của quy mô thị trường lao động. Một số ngành, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng cũng đã được kiềm chế, như: Ngành điện lực trước đây có tần suất xảy ra tai nạn lao động lớn nhưng hiện nay số lượng người chết do tai nạn lao động đã giảm xuống dưới 10 người/năm… Nhưng những lĩnh vực khác lại rất căng thẳng, xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như: Xây dựng, chế biến sản xuất vật liệu xây dựng.

Đề cập nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng chưa có dấu hiệu giảm, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, qua những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vừa qua, đặc biệt là vụ tai nạn tại Nhà máy xi măng Yên Bái mới đây, cần nhìn rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bởi một doanh nghiệp hoạt động rất lâu trên địa bàn tỉnh, với quy mô như vậy, chính quyền và các cơ quan chức năng đều đã kiểm tra, thanh tra và đánh giá, kiểm soát hiệu quả, vậy mà vẫn để xảy ra những lỗ hổng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

“Về mặt chính sách cũng cần nhìn nhận rằng, những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra có thể thấy dù hệ thống pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, song đâu đó công tác an toàn lao động vẫn chưa có chuyển biến tích cực” - ông Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.

Cần siết công tác thanh tra

Kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển, việc thanh tra an toàn lao động đến doanh nghiệp không được báo trước. Thanh tra cũng không phải mất quá nhiều thời gian tại doanh nghiệp, chỉ cần đến khu vực cần phải kiểm soát an toàn lao động xem có đạt yêu cầu không. Chưa đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn, thanh tra có thể yêu cầu chủ doanh nghiệp ngay lập tức khắc phục. Sau đó, nếu hậu kiểm mà doanh nghiệp chưa xử lý thì có các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn như dừng sản xuất, xử phạt theo thẩm quyền.

Thực tế, thanh tra lao động hiện nay là phải thành lập đoàn, doanh nghiệp bị thanh tra được lên kế hoạch, được báo trước, sau đó đoàn thanh tra sẽ vào xem xét nghiên cứu hồ sơ xem còn thiếu gì, cái gì chưa được.

“Như vậy, việc này chỉ để xem xét hồ sơ có bảo đảm đúng theo các quy định của pháp luật không, giúp doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đầy đủ, nói chung đó chỉ là vấn để hành chính. Trong khi điều quan trọng nhất của công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động phải làm rõ quá trình sản xuất, điều kiện làm việc có bảo đảm an toàn không?” - ông Nguyễn Anh Thơ nói.

Bộ LĐTBXH dự báo, trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm cả nước có khoảng 230 nghìn người bị tai nạn lao động, gây thiệt hại kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng. Tai nạn lao động diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng tới môi trường sản xuất bền vững, tới sức hút đầu tư nước ngoài và việc thực thi các cam kết về lao động của Việt Nam với các cam kết quốc tế... Chính vì vậy, theo các chuyên gia trước tiên cần rà soát chính sách pháp luật để bổ sung. Hiện nay, nếu doanh nghiệp thuê các nhà thầu cung cấp các dịch vụ nói chung cho doanh nghiệp, đến khi xảy ra tai nạn, sự cố ngay tại doanh nghiệp thì trách nhiệm giữa các bên chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần có những quy định, giám sát chất lượng hệ thống công nghệ đi kèm theo các dự án đầu tư của nước ngoài cũng như trong nước ngay từ khi xây dựng. Tránh trường hợp sử dụng các vật liệu, hệ thống công nghệ có khả năng gây ra sự cố, tai nạn, khi đó mới yêu cầu có phương án phù hợp cũng đã muộn.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, công tác thanh kiểm tra được xem là giải pháp hữu hiệu để phát hiện cũng như kịp thời xử lý vụ việc vi phạm tuy nhiên cách thức thanh tra, kiểm tra hiện chưa phù hợp và không theo được các thông lệ quốc tế, rườm rà, thiếu hiệu quả.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dam-bao-an-toan-cho-nguoi-lao-dong-10288249.html