Đảm bảo an toàn cho tàu cá vươn khơi
Các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đang có hàng chục nghìn tàu cá khai thác hải sản. Trong đó, số lượng tàu cá dài từ 15 mét trở lên đánh bắt ở vùng khơi xa lên khoảng 10.000 chiếc. Phần lớn tàu cá tại khu vực này là tàu vỏ gỗ nên công tác phải thường xuyên duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn cho tàu cá vươn khơi luôn được chú trọng.
Ông Nguyễn Thanh Tiến ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam từng sở hữu một tàu cá vỏ sắt dài 24 mét được đóng theo Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản. Nhưng sau hơn một năm hoạt động, ông Tiến phải để tàu nằm bờ vì thu không đủ chi, tàu cá lỗ liên tục, rơi vào trường hợp nợ xấu của ngân hàng.
Không thể bỏ nghề biển, dù đang gặp nhiều khó khăn, ông Tiến quyết định mua lại chiếc tàu vỏ gỗ với giá 1 tỷ đồng, bỏ thêm 1 tỷ đồng cải hoán, sửa chữa, làm mới toàn bộ máy móc và vỏ tàu. Tỉnh Phú Yên là nơi được ông Tiến chọn thực hiện việc cải hoán tàu vỏ gỗ vừa mua.
Ông Nguyễn Thanh Tiến dự tính, phải bỏ thêm 3 tỷ đồng nữa đầu tư hệ thống thiết bị điện tử hỗ trợ đánh bắt và dàn lưới vây, tàu cá mới có thể vươn khơi: “Hồi trước tôi cũng có chiếc tàu sắt của nghị định 67 chi phí nó cao lắm đi nhiều lần rồi chi phí nó cao nên bạn không đi nữa nhưng mình vẫn bám biển mình phải tìm cách khác để đi biển. Nghề biển là nghề của mình, mình không làm không đi biển thì biết làm gì để sống cuối cùng là quyết định phải cố gắng tiếp tục kiếm tàu đi biển nói chung biển năm nay không có thì năm khác có chứ không phải năm nào cũng có năm nay không được thì cố gắng đợi năm sau”.
Không chỉ dừng lại ở việc tu bổ, sửa chữa nhỏ tàu cá, một số ngư dân đã vay thêm vốn ngân hàng để cải hoán, nâng công suất máy cho tàu cá kết hợp với chuyển nghề khai thác theo hướng thân thiện hơn với môi trường. Trung bình mỗi tàu cá sửa chữa nhỏ mất từ 15 - 30 ngày, chi phí từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo tàu cá hoạt động hiệu quả nhiều chủ tàu đã tính đến việc giảm số lần sửa chữa, không kéo dài thời gian sử dụng những thiết bị gần hết hạn bảo hành.
Ông Phan Thành Vũ, ngư dân phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: “Người ta có kỹ thuật plastic cho ghe chắc chắn để ra sóng gió là mình cũng theo người ta làm, plastic gell cho ghe mình chắc chắn thì mỗi năm chi phí nó bớt lại. Năm nay bỏ ra 150 triệu làm, sang năm còn 5,7 chục rồi năm tới chỉ còn 30 thôi”.
Tại tỉnh Phú Yên hiện có 23 cơ sở đóng và sửa chữa tàu cá. Phần lớn những cơ sở này nằm gần khu vực cảng cá, thuận tiện cho tàu thuyền vào ra. Để tạo điều kiện cho ngư dân trong quá trình thực hiện cải hoán, sửa chữa, tu bổ tàu cá, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá theo dõi và thông tin tới ngư dân thời gian, thủ tục thực hiện cải hoán tàu cá đúng quy định, tránh trường hợp quá hạn phát sinh chi phí.
Ông Lê Đức Tuồng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Phú Yên cho biết: “Trong quá trình hoạt động tàu cá sẽ xuống cấp hư hỏng có thể máy hoặc vỏ bị thay đổi thì sẽ tiến hành tài khoản khi đó anh em ở chi cục sẽ hướng dẫn và trong quá trình cải hoán thì phải kiểm tra từng bước kiểm tra trước khi cải hoán lúc tiến hành cải hoán và cả sau khi cải khoán nói chung phải đảm bảo an toàn thì mới hoàn thiện thủ tục và cấp giấy tờ theo quy định”.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngư dân trong việc sửa chữa tàu cá là nguồn vốn. Với những ngư dân từng tham gia đóng tàu cá theo Nghị định 67 đang là đối tượng nợ xấu của ngân hàng nên không thể vay thêm vốn để sửa chữa tàu cá, tiếp tục bám biển.
Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên đề xuất: “Nhà nước đưa ra những chính sách, những công cụ để làm bệ đỡ cho người dân tạo điều kiện cho người dân phát triển tốt hơn còn chính thì vẫn phải là ngư dân tham gia trực tiếp. Nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách trực tiếp, đầu tư thêm vào con tàu của mình bằng những trang thiết bị hiện đại hơn hỗ trợ tốt hơn trong việc từ khai thác đến khâu bảo quản tổn thất sau thu hoạch để giảm tổn thất, tăng giá trị chất lượng sản phẩm khai thác”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dam-bao-an-toan-cho-tau-ca-vuon-khoi-post1039866.vov