Đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non: Camera không phải là mắt thần vạn năng
HNN - Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ trước vụ việc một bé gái 4 tuổi ở Hà Nội bị giáo viên mầm non đánh đập, kéo lê, thậm chí ném vào tường. Hình ảnh vết bầm tím chằng chịt trên cơ thể cùng đoạn video từ camera lớp học khiến nhiều người đặt câu hỏi nhức nhối: Camera đã được lắp đặt, vậy tại sao bạo hành trẻ vẫn xảy ra?

Chụp từ camera của 1 lớp học mầm non tại Safari Kid STEAM Academy Huế. Ảnh minh họa: NHI VÕ
Ngành giáo dục khuyến khích lắp đặt camera tại các cơ sở mầm non như một giải pháp giám sát, phòng, chống bạo hành, thất thoát tài sản hay xâm nhập trái phép. Riêng thành phố Huế bắt đầu vận động các trường từ mầm non đến THPT lắp đặt hệ thống camera giám sát từ năm 2017. Camera trở thành “mắt thần” giúp phụ huynh yên tâm hơn, có thể quan sát con từ xa, phát hiện bất thường kịp thời. Không ít phụ huynh, như một người mẹ tại Huế từng chia sẻ, chị gần như dán mắt vào màn hình điện thoại cả ngày, chỉ để chắc chắn con mình an toàn.
Tuy vậy, không ít vụ bạo hành vẫn diễn ra ngoài tầm nhìn của camera, thậm chí trong nhà vệ sinh - nơi camera không được phép lắp đặt vì đảm bảo quyền riêng tư. Các vụ việc từng ghi nhận tại Bắc Ninh hay Kon Tum đã minh chứng điều đó. Camera thường chỉ “được lên tiếng” khi sự đã rồi, cung cấp bằng chứng điều tra thay vì ngăn chặn hành vi bạo lực ngay từ đầu. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó camera chỉ là một trong những giải pháp.
Tại thành phố Huế, năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục mầm non có 7.503 cán bộ quản lý và giáo viên, trong đó 5.106 giáo viên đạt khoảng 93% trình độ đào tạo chuẩn theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT. Tuy vậy, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn không đồng nghĩa tất cả cơ sở giáo dục đều tuyệt đối an toàn cho trẻ. Bởi vấn đề không chỉ nằm ở bằng cấp mà còn ở đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và văn hóa ứng xử của giáo viên.
Chính vì thế, các cơ sở mầm non cần xây dựng văn hóa trường học, lấy trẻ làm trung tâm; coi việc bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng quản trị cảm xúc, xử lý tình huống sư phạm là nhiệm vụ thường xuyên. Những buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về quyền trẻ em, cách quản lý stress nghề nghiệp cần được tổ chức định kỳ. Song song đó, kiểm tra hệ thống camera, đảm bảo không có “điểm mù” trong lớp học.
Một giải pháp khác không kém phần quan trọng chính là trang bị kỹ năng cho chính các em nhỏ. Trẻ mầm non cần được dạy nhận biết và phản ứng trước những hành vi xâm hại hay bạo lực. Chẳng hạn, dạy trẻ hét to, chạy khỏi người làm đau mình, hoặc biết kể ngay với cha mẹ, cô giáo khác khi bị xâm hại. Đây là bài học tự thân đầu tiên của trẻ, mà phụ huynh và nhà trường cần phối hợp dạy dỗ.
Thực tế, trước thời camera nở rộ, rất nhiều trường mầm non đã duy trì môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Đó là nhờ sự tận tâm, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên. Camera chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế trái tim yêu thương, tinh thần bảo vệ trẻ của người lớn. Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường an toàn, được lắng nghe, thấu hiểu sẽ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.