Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai

Hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn công trình và nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp... Đó là những kết quả nổi bật Chi cục Thủy lợi đạt được trong năm 2023.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra công tác khắc phục tình trạng sạt lở tại khu vực đèo So, xã Quy Kỳ (Định Hóa), tháng 5-2023. Ảnh: T.L

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra công tác khắc phục tình trạng sạt lở tại khu vực đèo So, xã Quy Kỳ (Định Hóa), tháng 5-2023. Ảnh: T.L

Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2023, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh triển khai thực hiện các kế hoạch, chỉ thị của Trung ương, của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ; tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ bão năm 2023.

Cụ thể, Chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 1416/CT-BNN-TL ngày 10/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023; Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên thực hiện điều tiết nước để đảm bảo phục vụ sản xuất và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, lũ; thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập trên địa bàn tỉnh; phân cấp quản lý công trình thủy lợi và quy mô thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với đó, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ; xây dựng phương án ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm pháp luật về thủy lợi. Trong năm, đơn vị đã tổ chức tập huấn triển khai Luật Thủy lợi và bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ an toàn đập, hồ chứa nước năm 2023 cho các đối tượng là thành viên tổ chức thủy lợi cơ sở ở địa phương.

Về lĩnh vực quản lý đê điều, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 1148/CT-BNN-ĐĐ ngày 1/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão; phê duyệt phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều năm 2023.

Năm 2023, Chi cục đã tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp quản lý đê điều, quản lý đê nhân dân, thủ kè, thủ cống, tuần tra canh gác hộ đê. Đồng thời, đơn vị cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý đê kiểm tra các công trình đê điều, phối hợp với các địa phương có đê ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Tuyến đê Gang Thép (TP. Thái Nguyên) luôn được chú trọng bảo đảm an toàn.

Tuyến đê Gang Thép (TP. Thái Nguyên) luôn được chú trọng bảo đảm an toàn.

Cũng trong năm 2023, công tác đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai được ngành Nông nghiệp và các địa phương thực hiện đảm bảo theo đúng quy định, góp phần đảm bảo an toàn chống lũ, an toàn công trình và cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, kết hợp phục vụ đa mục tiêu.

Thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN) tỉnh, Chi cục Thủy lợi tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chuyển đến Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Cùng với đó, Chi cục Thủy lợi tổng hợp, báo cáo nhanh tình hình thiên tai và đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra xảy ra 11 đợt thiên tai (giảm 5 đợt) làm 3 người chết; thiệt hại tài sản khoảng 24,3 tỷ đồng, giảm hơn 40,7 tỷ đồng so với năm 2022.

Ngoài ra, đơn vị cũng tham mưu với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ban hành 6 công điện, 8 văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và địa phương đã kịp thời triển khai công tác khắc phục sự cố, hỗ trợ, động viên các gia đình bị thiệt hại, đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, mở rộng diện tích tưới để đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất; triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tưới; quản lý khai thác tốt các công trình thủy lợi; thông tin tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai để chủ động trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cùng với đó, đơn vị tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố; tham mưu với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh thực hiện tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt tại các địa điểm xung yếu có nguy cơ cao để kịp thời ứng phó, xử lý, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202312/dam-bao-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-de-dieu-phong-chong-thien-tai-e3a1c4a/