Đảm bảo an toàn COVID-19 trên tuyến biển
Xác định các tàu cá, ngư dân hoạt động trên biển, đặc biệt các tàu cá ngoại tỉnh là một trong những nguồn có nguy cơ cao trong lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào, thời điểm này, công tác phòng, chống COVID-19 tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão… đang được cơ quan chức năng và các địa phương triển khai quyết liệt nhằm vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hải sản trên địa bàn.
Những ngày này, tổ giám sát COVID-19 cộng đồng tại khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt, xã Triệu An, huyện Triệu Phong đang tập trung triển khai việc giám sát y tế, yêu cầu thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về phòng, chống COVID-19 đối với người nhà và ngư dân trên các tàu thuyền ngoại tỉnh neo đậu tại khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Triệu An Nguyễn Văn Phương cho biết, vào mùa trăng có hàng chục tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu tại khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt. Số lao động trên các tàu cá này thường tranh thủ về thăm nhà rồi trở lại tàu cá để tiếp tục ra khơi. Xác định đây là một trong những mối nguy có khả năng làm lây lan dịch bệnh, UBND xã đã chỉ đạo tổ giám sát COVID-19 cộng đồng thực hiện nghiêm việc giám sát y tế; yêu cầu các ngư dân trên tàu cá ngoại tỉnh ở lại trên tàu. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ việc đi lại, sinh hoạt của các ngư dân này trong thời gian ở tại địa phương.
Ngay khi vừa cập cảng cá Cửa Việt, 6 thuyền viên trên tàu cá QNg 90881TS có địa chỉ tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã được cán bộ tổ kiểm tra liên ngành tham gia phòng, chống COVID-19 tại cảng cá Cửa Việt đến nhắc nhở đeo khẩu trang và yêu cầu ở nguyên trên tàu. Sau khi được cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong đo thân nhiệt và thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 có kết quả âm tính mới được phép thực hiện bốc dỡ hải sản. Anh Phạm Duy Vương, thuyền trưởng tàu cá QNg 90881TS cho biết: “Mặc dù trước khi xuất bến vào ngày 10/8/2021, anh và các bạn thuyền đều đã được xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả âm tính. Tuy nhiên, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của cảng cá, sau chuyến biển, khi cập cảng anh yêu cầu các bạn thuyền thực hiện nghiêm thông điệp 5K và ở yên trên tàu chờ được lấy mẫu xét nghiệm mới bán cá. Các biện pháp phòng, chống dịch tại Cảng cá Cửa Việt được triển khai rất chặt chẽ. Việc này không những bảo vệ an toàn cho cộng đồng mà còn đảm bảo duy trì sản xuất cho ngư dân nên tôi và các bạn thuyền đều chấp hành nghiêm túc”.
Theo thống kê của Ban quản lý (BQL) Cảng cá Quảng Trị, trung bình mỗi ngày 2 cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt tiếp nhận từ 15 - 20 tàu cá, trong đó có nhiều tàu cá ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm lao động nghề cá, tiểu thương, công nhân của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ nghề cá ra, vào mua bán hải sản để phân phối đến các chợ. Do vậy, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất”, BQL Cảng cá Quảng Trị đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ; đồng thời xây dựng các phương án sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tại các cảng cá. Giám đốc BQL Cảng cá Quảng Trị Lê Văn Sơn cho biết, hiện tại, BQL Cảng cá Quảng Trị đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai 2 tổ kiểm tra liên ngành tại khu vực cổng chính 2 cảng cá và tổ chức trực 24/24 giờ với đầy đủ các lực lượng tham gia. Đối với trên bộ, tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra thân nhiệt tất cả mọi người ra, vào cảng cá. Những người không có nhiệm vụ hoặc công việc không cần thiết như: Đi câu cá giải trí, tham quan… không được phép vào khu vực cảng cá.
Đối với lái xe, người ngồi trên ô tô, tiểu thương, người dân đến hoặc trở về từ các tỉnh, vùng có dịch theo thông báo của cơ quan y tế có thẩm quyền phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 48h) mới được vào cảng cá. Nếu không có giấy xét nghiệm hoặc hết hạn thì phải thực hiện xét nghiệm nhanh tại chốt của tổ kiểm tra liên ngành và phải có kết quả âm tính mới được vào cảng cá. Đối với các nhà thầu và lao động ngoại tỉnh, nhất là các tỉnh có dịch đang thi công các công trình trong khu vực cảng cá bắt buộc phải thực hiện công tác đăng ý tạm trú, kê khai y tế và lần đầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực mới được vào trong khu vực cảng cá để thi công; nếu ra ngoại tỉnh hoặc vùng có dịch trở về phải xét nghiệm lại; yêu cầu không được tụ tập ăn uống, đi lại những khu vực không được phép trong cảng cá.
Đối với các tàu cá, thông qua hệ thống liên lạc, khi tàu cá báo sắp cập cảng, cán bộ cảng cá yêu cầu cung cấp số đăng ký của tàu, sau đó nhập số đăng ký vào hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản để kiểm tra hành trình của tàu cá đó. Nếu là tàu cá trong tỉnh nhưng có vào các vùng dịch hoặc tàu cá ngoại tỉnh, xuất phát từ vùng có dịch, cán bộ cảng cá sẽ báo cáo tổ kiểm tra liên ngành để phối hợp kiểm tra các giấy tờ liên quan như: Sổ danh bạ thuyền viên, khai báo y tế và giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Nếu giấy xét nghiệm còn hiệu lực thì được bốc dỡ hải sản. Nếu không có giấy xét nghiệm hoặc có nhưng hết hạn hoặc có triệu chứng nghi ngờ thì toàn bộ thuyền viên phải ở lại tàu, không được lên cảng, không được bốc dỡ hải sản. Sau đó cán bộ y tế sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa tạm thời và thực hiện quy trình xét nghiệm nhanh theo quy định. Nếu kết quả âm tính mới cho phép thực hiện các hoạt động tiếp theo. Nếu xét nghiệm không đạt hoặc nghi ngờ thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền. “Từ ngày 29/7/2021 đến nay, 2 tổ kiểm tra liên ngành đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh và Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đối với thuyền viên, người ngoại tỉnh ra, vào cảng cá với tổng số hơn 1.340 mẫu. Tất cả đều cho kết quả âm tính”, ông Sơn cho hay.
Hiện tại đang là chính vụ cá Nam, trong điều kiện các cảng cá của các địa phương lân cận đang phải đóng cửa do có ca nhiễm COVID-19, dẫn đến số lượng tàu thuyền cập cảng, phương tiện vận tải ra vào 2 cảng cá của tỉnh tăng lên. Trong đó, tàu thuyền và phương tiện đường bộ ngoại tỉnh chiếm đến gần 70%. Mặt khác, hằng ngày có hàng trăm phương tiện ô tô và mô tô vận chuyển hàng thủy sản từ các cảng cá đến khắp các chợ và các địa phương trong tỉnh. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các tỉnh, vùng khác vào tỉnh Quảng Trị qua hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá là rất cao. “Để đảm bảo phòng, chống dịch, đề nghị cần phải ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng ngư dân, tiểu thương, người lao động… hoạt động trong khu vực cảng cá vì đây là những đối tượng có nguy cơ cao. Ngoài ra, định kỳ 3 ngày/lần, cần tổ chức xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên SARSCoV-2 cho lực lượng tham gia tổ kiểm tra liên ngành và cán bộ tại 2 cảng cá”, ông Sơn đề xuất.