Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa
PTĐT - Trong thời điểm mưa lũ, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có gió lớn, xoáy nước, phức tạp về luồng lạch... làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh ...
PTĐT - Trong thời điểm mưa lũ, lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có gió lớn, xoáy nước, phức tạp về luồng lạch... làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các bến đò, bến khách ngang sông.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra, ngay từ đầu mùa mưa, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội trên các tuyến đường thủy trong tỉnh; phối hợp với Công ty cổ phần quản lý và bảo trì đường thủy nội địa số 1 bố trí cán bộ phân luồng, chống va trôi tại khu vực cụm cầu Việt Trì - Hạc Trì. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa; ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động. Tại bến đò Đức Bác phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt khách qua sông bằng đò, chủ yếu là người dân ở 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc sang thành phố Việt Trì làm công nhân hoặc buôn bán nhỏ. Theo ghi nhận của chúng tôi, công tác đảm bảo ATGT đường thủy luôn được chủ bến đò ngang quan tâm thực hiện. Bà Nguyễn Thị Vĩnh ở xóm Khoái Chung, xã Đức Bác, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc là hành khách thường xuyên qua lại tại bến đò này cho biết: “Do công việc làm bên tỉnh Phú Thọ, nên ngày 2 lần tôi qua sông bằng phương tiện đò ngang. Tôi luôn có ý thức mặc áo phao khi đi đò để bảo vệ an toàn tính mạng của mình khi có sự cố xảy ra”.Cùng với việc đảm bảo an toàn cho những chuyến đò ngang, công tác đảm bảo ATGT trên các chuyến tàu, phà cũng được chú trọng. Công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 là đơn vị được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam giao quản lý, bảo trì 492km sông, hồ. Trong đó, tại tỉnh Phú Thọ, Công ty quản lý 119km sông Hồng và 73km sông Lô. Đơn vị bố trí 6 Trạm quản lý đường thủy nội địa là: Việt Trì, Bãi Bằng, Đoan Hùng, Hồng Đà, Cổ Tiết, Chí Tiên. Hàng năm trước mùa bão lũ, đơn vị dự báo các vị trí phức tạp, tiềm ẩn rủi ro khi có bão, lũ như khu vực cầu Hạ Hòa, Ngọc Tháp, Phong Châu, Ba Vì; các vị trí bến đò ngang trên sông Hồng; khu vực cầu Đoan Hùng, cụm cầu Việt Trì trên sông Lô; các vị trí bến đò, trọng điểm như: Triều Dương, Lời, Tiên Du, Then, Đức Bác… Kiểm tra hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa đảm bảo tình huống luồng, các vị trí trụ neo tàu thuyền tại thượng, hạ lưu các cầu. Cùng với đó, Công ty đảm bảo nhân lực, vật lực sẵn sàng đối phó với bão, lũ, trong đó huy động 6 tàu 33-54CV, 2 xuồng cao tốc 40CV, 2 đầu máy 192CV với đầy đủ trang thiết bị cứu hộ như phao áo, phao tròn, phao bè, dây thảo mộc… sẵn sàng tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.Nhằm đảm bảo TTATGT đường thủy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của của nhân dân trong mùa mưa bão năm 2019, Ban An toàn giao thông tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT đối với các bến khách ngang sông như: Kiểm tra giấy phép hoạt động của bến thủy nội địa; phương tiện và quản lý phương tiện; thuyền viên, người lái phương tiện; trang thiết bị đảm bảo an toàn; kê khai, niêm yết giá cước; kiểm tra các công trình phụ trợ khác gần khu vực bến có ảnh hưởng đến ATGT đường thủy nội địa... Qua kiểm tra bước đầu tại 46/51 bến khách ngang sông của 11 huyện, thành, thị, đoàn đã tạm đình chỉ hoạt động của 4 bến khách ngang sông của ông Trịnh Quang Tăng và Phạm Quang Liên tại xã Quế Lâm; ông Ninh Xuân Hò- xã Nghinh Xuyên, huyện Đoan Hùng và bến ông Nguyễn Hồng Khanh-xã Liên Phương, huyện Hạ Hòa. 21 bến khách ngang sông và phương tiện vận tải thủy vi phạm bị xử lý hành chính do hết hạn giấy phép hoạt động; phương tiện hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không có giấy đăng ký phương tiện; niêm yết giá cước; thiết bị phòng cháy; dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, neo đậu; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ 3… ở các huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Phù Ninh, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì với tổng số tiền xử phạt gần 24 triệu đồng. Qua kiểm tra, Đoàn liên ngành đề nghị UBND các huyện, thành, thị có bến khách ngang sông và các phương tiện vi phạm dừng ngay việc hoạt động; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trọng tâm trong mùa mưa bão…Mùa mưa, lũ đã tới, các biện pháp đảm bảo ATGT đường thủy đã và đang được các cấp, ngành, lực lượng chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường của thời tiết thì mỗi người dân có hoạt động mưu sinh liên quan đến sông nước, cũng như các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng có trách nhiệm bảo đảm TTATGT đường thủy cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, không thể chủ quan, buông lỏng quản lý, phải luôn sẵn sàng ứng phó, thực hiện mọi biện pháp xử lý tình huống một cách hiệu quả nhằm đảm bảo TTATGT, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201909/dam-bao-an-toan-giao-thongduong-thuy-noi-dia-166634