Đảm bảo an toàn khi tổ chức tour du lịch mạo hiểm
Sau 2 sự cố với du khách nước ngoài khi tham gia chương trình du lịch mạo hiểm tại tỉnh Lâm Đồng, khiến 5 du khách tử vong đặt ra vấn đề về sự an toàn khi tổ chức tour. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông và Chuyển đổi số (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), Tổng Giám đốc Flamingo Redtours xung quanh chủ đề này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những sự cố đáng tiếc vừa qua xảy ra đối với du khách khi tham gia chương trình du lịch có tính chất mạo hiểm tại tỉnh Lâm Đồng?
Đây là những sự cố đáng tiếc không mong muốn và ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Thường sau mỗi sự cố, cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương đều có những văn bản chấn chỉnh, nhưng được một thời gian, các hoạt động đâu lại vào đó và vẫn xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch tại Nghị định số 168/NĐ-CP ngày 31/12/2017 để các địa phương quản lý, chấn chỉnh, nhưng những tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra. Tôi nghĩ vấn đề này xuất phát từ một số nguyên nhân.
Thứ nhất, du lịch mạo hiểm đem lại một trải nghiệm phiêu lưu mạo hiểm, cảm giác rất đa dạng, nên có đôi lúc những quy định của pháp luật hướng dẫn chưa được cập nhật, chưa tính đến tình huống cần có những quy định rất cụ thể.
Hai là, hoạt động du lịch mạo hiểm có một sự trải nghiệm, nên có những nơi hình thành tự phát, không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Ba là, xuất phát từ các đơn vị tổ chức dịch vụ không ý thức sự an toàn, không tuân thủ quy định của pháp luật và cũng không có sự kiểm tra, nhắc nhở.
Thứ tư, xuất phát từ sự chủ quan của khách và thực tiễn nhiều du khách tự đi du lịch, cũng không tuân thủ quy định an toàn.
Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền không thường xuyên.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển loại hình du lịch mạo hiểm tại Việt Nam?
Du lịch mạo hiểm có sức hấp dẫn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam có nhiều tiềm năng bởi địa hình đa dạng từ đồi núi, đồng bằng, biển, rừng, hang động...
Thực tế, thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng đã đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch mạo hiểm. Dù vậy, các hoạt động du lịch này vẫn manh mún, đăng ký tạm thời. Hiện có chương trình tour khám phá hang Sơn Đoòng được coi là bài bản nhất. Bên cạnh đó, một số hoạt động du lịch thể thao được tổ chức chuyên nghiệp, còn lại vẫn dạng tự phát.
Do đó, việc tổ chức tour du lịch này tồn tại nhiều “lỗ hổng" và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, theo ông, các đơn vị du lịch cần phải làm gì?
Loại hình du lịch có tính mạo hiểm đa dạng, nên các tiêu chí, tiêu chuẩn từ Nghị định 168 cần được thường xuyên cập nhật để sát với cuộc sống.
Tiếp đó là công tác đào tạo người làm chương trình du lịch mạo hiểm cần được quan tâm. Thực tế, các khoa, trường về lĩnh vực du lịch chưa có đơn vị nào đào tạo về kỹ năng này.
Cơ quan quản lý cũng cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cấp phép việc tổ chức loại hình này và việc kiểm tra các đơn vị cung ứng dịch vụ về trang thiết bị và hạ tầng phải đảm bảo an toàn.
Việc tuyên truyền tới du khách cần phải sát với thực tế. Nhất là hướng dẫn viên và phải tư vấn thật kỹ các điều kiện tham gia, không phải cái gì cũng chiều theo ý của khách. Hướng dẫn viên phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu..
Ở góc độ doanh nghiệp, khi xây dựng sản phẩm du lịch mạo hiểm, đơn vị cần quan tâm những điều gì, thưa ông?
Đối với đơn vị làm sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm thì quan trọng nhất là khảo sát từ điểm đến, cung đường, các điều kiện về giao thông, dịch vụ… và từ đó tạo những sản phẩm du lịch phù hợp từng đối tượng khách hàng.
Khi tổ chức phải lựa chọn hướng dẫn viên có kinh nghiệm, có kỹ năng. Tiếp đó là sàng lọc khách, chỉ nhận những khách nào đáp ứng được những tiêu chuẩn để phù hợp vơíchương trình và tư vấn, cam kết quá trình tham gia.
Xin trân trọng cám ơn ông!