Đảm bảo an toàn phòng dịch cho đàn gia cầm
Vài năm trở lại đây, dịch bệnh trên đàn gia cầm diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ lây lan và bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm tăng cao. Trong đó, trên đàn thủy cầm xuất hiện nhiều dịch bệnh mới, lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường, sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tiễn cho thấy, việc tiêm vaccine phòng bệnh cho vật nuôi hiện nay rất quan trọng. Việc tiêm đúng, tiêm đủ các loại vaccine đến sử dụng đúng các loại thuốc thú y trong chăn nuôi có ý nghĩa quyết định trong bảo vệ đàn vật nuôi, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập do cả ở phía người chăn nuôi và khâu quản lý.
* Làm tốt từ khâu phòng dịch
Trước thực trạng dịch bệnh trên đàn gia cầm, đặc biệt là những dịch bệnh mới nổi trên đàn thủy cầm xuất hiện ngày càng nhiều, lây lan trên diện rộng gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi gia cầm, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Invet (tỉnh Hưng Yên) tổ chức tọa đàm “Các bệnh mới trên thủy cầm - Cơ hội và thách thức”. Mục tiêu của chương trình nhằm cập nhật, cảnh báo về những dịch bệnh mới gây hại trên đàn gia cầm, trong đó có đàn thủy cầm, nhằm đưa ra những giải pháp phòng trừ các loại dịch bệnh trên. Trong đó, giải pháp sử dụng vaccine trong công tác phòng dịch có vai trò rất quan trọng.
PGS-TS Phạm Ngọc Thạch, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận xét, những năm trở lại đây, chăn nuôi gia cầm nói chung, thủy cầm nói riêng phát triển rất nhanh. Có nhiều nguyên nhân như tổng đàn tăng nhanh, thức ăn, phương cách chăn nuôi làm xuất hiện nhiều bệnh mới nổi trên đàn thủy cầm như: Tempusu, bại huyết, ngắn mỏ vịt… Trong đó có nguyên nhân công tác tiêm vaccine phòng bệnh thực hiện chưa tốt. Để giải quyết vấn đề này, công tác tiêm phòng vaccine phòng dịch có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, muốn phát triển chăn nuôi bền vững phải xây dựng được chuỗi liên kết với sự tham gia, hợp tác giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Theo đó, hiện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thuốc thú y, nhất là sản xuất vaccine đã có nhiều chương trình hợp tác với ngành thú y của các tỉnh, thành trong công tác phòng, trừ dịch bệnh.
Công tác tiêm phòng cũng là giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được các địa phương chú trọng thực hiện.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai nhận xét, gia cầm, trong đó có thủy cầm là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, đem lại cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm diễn biến rất phức tạp. Tại Đồng Nai, các bệnh mới nổi trên đàn thủy cầm đã ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi này, chi phí cho công tác an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh còn cao; vẫn còn nhiều rủi ro về dịch bệnh gây khó khăn cho người chăn nuôi trong tái đàn, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Theo đó, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi được địa phương chú trọng thực hiện nhằm đảm bảo an toàn.
Nói về nguồn cung vaccine cũng như thị trường thuốc thú y trong nước, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương (Cục Thú y) Ngô Văn Bắc cho biết, đến nay cả nước có khoảng 16 ngàn sản phẩm, trong đó có hơn 180 loại vaccine của 83 nhà máy sản xuất thuốc thú y trong nước đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, đã đáp ứng gần 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Ngành sản xuất thuốc thú y và vaccine phòng, chống dịch bệnh trong lĩnh vực chăn nuôi còn xuất khẩu đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, công tác tiêm vaccine phòng bệnh trên đàn gia cầm được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêm gần 9,2 triệu liều vaccine phòng cúm gia cầm; gần 277 ngàn liều vaccine phòng dịch tả vịt, gần 8,4 triệu liều vaccine Gumboro trên đàn gà.
* Cần kiểm soát tốt thị trường thuốc thú y
Tuy nhiên, hiện thị trường thuốc thú y, trong đó có vaccine phòng dịch, vẫn còn nhiều bất cập. Ông Ngô Văn Bắc cho biết thêm, tình trạng buôn bán vaccine, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là vaccine phòng bệnh cho gia cầm vẫn là vấn đề bức xúc.
Ở góc độ người chăn nuôi, hiện nhiều người dân vẫn tự ý mua và sử dụng thuốc thú y, vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm. Việc sử dụng thuốc và vaccine không đúng hướng dẫn của các nhà chuyên môn tiềm ẩn nguy cơ kháng thuốc và bùng phát dịch bệnh; tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Việc sử dụng thuốc thú y không đúng cách không chỉ tăng chi phí chăn nuôi mà còn gây ra tình trạng tồn dư kháng sinh, cũng như làm lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng theo ông Ngô Văn Bắc, thực trạng đó cho thấy công tác quản lý, kiểm soát của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn còn lỏng lẻo do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng hộ chăn nuôi lớn, trong khi đội ngũ bác sĩ thú y cơ sở quá mỏng, chế tài quản lý chưa rõ ràng dẫn đến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thuốc thú y còn nhiều lổ hổng, chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Mặt khác, ngành chức năng cũng chưa ban hành quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trong bảo quản, vận chuyển thuốc thú y và vaccine, chế phẩm sinh học... đối với các cửa hàng kinh doanh. Vì vậy, nhiều cửa hàng có giấy phép kinh doanh nhưng cơ sở vật chất và điều kiện bảo quản không đảm bảo, cộng với chủ cửa hàng chưa đáp ứng về trình độ chuyên môn. Điều này dẫn đến việc bán thuốc thú y, vaccine theo kinh nghiệm, hoặc theo yêu cầu của người chăn nuôi, thậm chí bán theo chương trình khuyến mãi của nhà sản xuất.
Theo một số chuyên gia trong ngành thú y, để chấn chỉnh tình trạng trên, các cơ quan chức năng trong ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc thú y, vaccine để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vận chuyển, kinh doanh thuốc thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu hành tại
Việt Nam.