Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2020
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 06/7/2020 về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Kế hoạch yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bên cạnh việc kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt cần tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có). Theo đó, cấp tỉnh giao cho Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, lấy mẫu hậu kiểm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Các sở: Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra các cơ sở theo phân cấp quản lý.

Tại các địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, cấp xã tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, kế hoạch cũng yêu cầu việc kiểm tra phải khoa học, thống nhất, tránh chồng chéo; UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với các đoàn kiểm tra khi được yêu cầu để xử lý các diễn biến phức tạp trong quá trình kiểm tra các cơ sở trên địa bàn. UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra quản lý nhà nước đối với các xã, phường, thị trấn chưa được kiểm tra trong năm 2020.
Yêu cầu kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, mứt kẹo, bia rượu, nước giải khát, hoa quả… Kiểm tra, kiểm soát việc quảng cáo, bán hàng qua mạng xã hội, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm; trong đó chú trọng các cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP. 100% cơ sở vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm sẽ được xử lý, giải quyết triệt để theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các cơ sở kinh doanh sản phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh hoạt động kiểm tra, công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức với nội dung tuyên truyền các quy định của pháp luật về trách nhiệm và quyền lợi của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và các kiến thức khoa học để phòng, chống ngộ độc thực phẩm; tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19.