Đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong các loại đồ ăn, thức uống. Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong các cơ sở kinh doanh, chế biến, đặc biệt là các quán ăn đường phố, vỉa hè cần đảm bảo vệ sinh ngay từ khâu chế biến, sản xuất, kinh doanh, phân phối...

Phố cổ Hoa Lư thu hút đông thực khách với các món ăn vặt buổi tối.

Phố cổ Hoa Lư thu hút đông thực khách với các món ăn vặt buổi tối.

Thành phố Ninh Bình là trung tâm của tỉnh nên phát triển mạnh về các dịch vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm ăn uống. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn thành phố có khoảng 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể do thành phố quản lý và trên 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống do phường, xã quản lý.

Hàng năm, công tác kiểm tra, giám sát về ATTP luôn được các cấp, các ngành liên quan của thành phố phối hợp thực hiện, trong đó ngoài xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở vi phạm về ATTP, còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Chị Trần Thị Hiền, bán đồ ăn sáng gần trường Tiểu học Thanh Bình, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi đã có hơn chục năm bán thức ăn sáng cho học sinh các trường học gần đây. Không chỉ mùa hè mà tất cả các thời điểm trong năm, công tác bảo đảm ATTP luôn được tôi đặt lên hàng đầu. Tôi bán bánh mì kẹp thịt, trứng, chả, pate; xôi các loại; bánh bao..., nên cần nhiều loại thực phẩm khác nhau. Đòi hỏi kỹ càng trong khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, nên tôi kiểm soát chặt chẽ bằng việc nhập nguyên liệu của các đơn vị có chứng nhận về an toàn, đảm bảo về chất lượng. Đồng thời, quá trình chế biến, bảo quản cũng rất quan trọng, đòi hỏi phải sạch sẽ, kỹ càng, để thực phẩm không bị ôi thiu, nhiễm khuẩn...

Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, đóng góp to lớn trong việc đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố Ninh Bình luôn được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo. Các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn đã tập trung tuyên truyền đến các cơ sở và nhân dân các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy định điều kiện về ATTP với nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh 2 cấp; băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, và trên các trang mạng xã hội như: zalo, facebook….; tổ chức lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các hội, đoàn thể... để phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng...

Bữa ăn bán trú tại Trường Mầm non Đông Thành (thành phố Ninh Bình).

Thành phố Ninh Bình cũng quan tâm xây dựng các mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn"; các bếp ăn tập thể trong các nhà trường, nhà hàng, khách sạn thực hiện theo quy trình bếp ăn một chiều" từ nơi tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, nấu và chia thức ăn, thành lập các cửa hàng nông sản sạch, an toàn...

Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, tiến hành kiểm tra theo phân cấp quản lý Nhà nước; thanh, kiểm tra đột xuất, nhất là các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mùa lễ hội và Tháng hành động vì ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và cung cấp thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố … nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố Ninh Bình đã thành lập gần 20 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành (do UBND thành phố và xã phường chủ trì), tiến hành kiểm tra gần 300 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm; đồng thời thực hiện xét nghiệm nhanh đối với hàng trăm mẫu thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm và dụng cụ ăn uống.

Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn đã phát hiện một số cơ sở vi phạm, với các lỗi như nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; thiết bị bảo quản thực phẩm dùng ngay không đảm bảo vệ sinh..., để nhắc nhở yêu cầu khắc phục, yêu cầu cam kết bảo đảm ATTP với cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho biết: Thời tiết những ngày mùa hè, đặc biệt trong tháng 5, 6 nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao kèm theo mưa giông khiến cho các loại thực phẩm rất dễ bị ôi thiu, hư hỏng nếu không được bảo quản đúng cách. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay có nhiều bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi và tái nổi xuất hiện, nguy cơ bùng phát thành dịch như hiện nay, vấn đề ATTP càng cần phải được coi trọng. Từ đó đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tiêu dùng thực phẩm trong các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể trong trường học cần phải thực hiện nghiêm quy trình chế biến, các quy định về đảm bảo ATTP, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.

Hiện nay, đã vào mùa nắng nóng và tỉnh Ninh Bình chuẩn bị diễn ra sự kiện Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2023, dự kiến có nhiều khách du lịch về tham quan, trải nghiệm mùa hè tại Ninh Bình, Chi cục ATVSTP tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm; thành lập các đoàn kiểm tra tăng cường công tác giám sát về ATTP; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATTP, ngộ độc thực phẩm.

Đồng thời hướng dẫn cho các chủ nhà hàng, khách sạn thực hiện tốt các quy định về ATTP như khám sức khỏe, cập nhật kiến thức ATTP..., hạn chế mức thấp nhất các vụ ngộ độc tập thể xảy ra vào mùa hè, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giữ uy tín với du khách khi về Ninh Bình.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-mua-nang-nong/d20230524092856420.htm