Đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm

Những năm gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được xã hội đặc biệt quan tâm. Đóng góp vào những chuyển biến tích cực là nhận thức và hành động của chị em phụ nữ, chiếm hơn 50% dân số, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Chương trình đổi rác lấy làn đi chợ được nhiều cấp Hội phụ nữ triển khai

Chương trình đổi rác lấy làn đi chợ được nhiều cấp Hội phụ nữ triển khai

Phụ nữ cũng chính là người chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình thông qua bữa ăn hàng ngày. Do đó, việc nâng cao nhận thức và thực hành đúng về vệ sinh an toàn thực phẩm cho phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc ứng xử đẹp trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là một nội dung quan trọng trong cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, góp phần lan tỏa thông điệp tích cực về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Nhận thức được điều đó, mô hình “Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” đã được Hội LHPN Hà Nội triển khai từ nhiều năm nay và được nhân rộng ra nhiều quận, huyện, thị xã.

Tính đến tháng 5/2024, Hội Phụ nữ các cấp thành lập 328 mô hình với 9.610 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Hội viên là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia. Mô hình tập trung đến các nội dung kinh doanh thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn chất lượng, trồng rau an toàn, nói không với thực phẩm kém chất lượng, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, hạn chế sử dụng túi nilon, dùng làn nhựa đi chợ…

Chi hội Phụ nữ số 3, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy là một trong những chi hội được chọn là mô hình điểm “Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm”. Tham gia mô hình, các hội viên tích cực tham dự các cuộc hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm chế biến thực phẩm”, “Tư vấn dinh dưỡng sức khỏe”, “Cách nấu món ăn tốt cho sức khỏe và sử dụng thực phẩm an toàn”,… Nhờ đó, mỗi bữa ăn của các gia đình vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hội LHPN phường Phúc Đồng, quận Long Biên cũng ra mắt “Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” tại chi hội phụ nữ 11 và 12 từ năm 2022. Các hội viên tham gia phong trào “xách làn đi chợ” và sử dụng “2 dao, 2 thớt” khi chế biến thực phẩm.

Theo các hội viên Hội LHPN phường Phúc Đồng, nhiều hộ gia đình vẫn sử dụng, dao, thớt để thái thực phẩm sống và chín lẫn lộn; sử dụng sản phẩm túi nilon, đồ nhựa với chất liệu không an toàn. Điều này sẽ mang đến một số bệnh cho cơ thể, thậm chí có thể bị ngộ độc thức ăn, gây ra hậu quả nặng nề cho sức khỏe mọi người.

Bên cạnh đó, việc sử dụng túi nilon được làm từ chất liệu không an toàn để đựng đồ, thực phẩm cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dung, đồng thời khiến một khối lượng rác thải lớn khó tiêu hủy thải ra môi trường.

Chính vì vậy, phong trào “xách làn đi chợ”, sử dụng “2 dao, 2 thớt” khi chế biến thực phẩm của chi hội phụ nữ 11 và 12 phường Phúc Đồng giúp cải thiện được tình hình lạm dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày, sử dụng và chế biến thực phẩm an toàn giúp bảo vệ chính gia đình và cộng đồng.

Hội viên Hội LHPN xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) cầm làn đi chợ

Hội viên Hội LHPN xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) cầm làn đi chợ

Tháng 7/2024, Hội LHPN phường Quang Trung tổ chức hội nghị tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện “Đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh tiêu dùng thực phẩm”, ra mắt mô hình "Chi hội thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm" cho trên 100 cán bộ hội viên phụ nữ, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn phường.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ phường Quang Trung đã tuyên truyền vận động cán bộ hội viên phụ nữ, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm với nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, phong phú, góp phần bảo đảm sức khỏe cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Tại chương trình, bà Dương Thị Tuyết Mai – cán bộ phòng Y tế thị xã Sơn Tây tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình an toàn thực phẩm hiện nay, những nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm an toàn thực phẩm cũng như hướng dẫn chị em cách thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng, chế biến và bảo quản thực phẩm đảm bảo an toàn. Đồng thời, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giảm thiểu đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do sử dụng thực phẩm không đủ tiêu chuẩn.

Hội phụ nữ phường Quang Trung cũng tặng làn nhựa cho các hội viên trong chi hội; đồng thời tổ chức cho cán bộ, hội viên chi hội ký cam kết thực hiện mô hình “Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” với những nội dung cụ thể như: Cam kết thực hiện đúng các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm trong cung cấp dịch vụ ăn uống; tuân thủ các quy định về nguyên liệu thực phẩm, nước sạch; đảm bảo vệ sinh nơi bếp ăn, dùng bao tay nilon khi sơ chế thực phẩm, sử dụng làn nhựa đi chợ hàng ngày, tham gia tổng vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư, tập kết rác thải đúng nơi quy định...

Mô hình “Tổ ngành hàng nói không với túi ni lon” và “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ” là hai mô hình được Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo triển khai thí điểm từ năm 2020, mang lại những hiệu quả tích cực. Các chị em tổ ngành hàng khô tại chợ Ngọc Hà đã thực hiện mô hình bán hàng bao gói bằng túi giấy, túi thân thiện với môi trường và tích cực vận động những người nội trợ hạn chế dùng túi nilon khi đi chợ. 95% cán bộ, hội viên chi hội phụ nữ số 2 phường Xuân La cũng đã sử dụng làn đan bằng dây buộc hàng đi chợ hàng ngày. Đến nay, hai mô hình đã được nhân rộng triển khai tại 100% các chi hội phụ nữ dưới nhiều hình mới, tên gọi mới.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-san-xuat-che-bien-kinh-doanh-va-tieu-dung-thuc-pham-402155.html