Đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ

Phú Thọ là tỉnh Trung du miền núi, địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối, ngòi dễ gây lũ quét, sạt lở đất. Hệ thống đê điều trải dài trên hầu hết các địa phương; bên cạnh đó, hạ lưu sông Lô, sông Đà, sông Thao chịu ảnh hưởng điều tiết của hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà và thượng nguồn sông Thao thường xảy ra lũ đột xuất do mưa lớn dễ gây sạt lở bờ, vở sông ảnh hưởng đến công trình đê điều… Để đảm bảo hệ thống đê điều trong mùa mưa bão năm 2022, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế.

Dựa án đê bao Đông Nam thành phố Việt Trì đang gấp rút hoàn thành theo tiến độ

Toàn tỉnh hiện có gần 510km đê điều, bao gồm 21 tuyến đê sông, đê ngòi từ cấp I đến cấp V; 23 tuyến đê bao ngăn lũ nội đồng; 11 tuyến đê bối và 461 cống các loại như cống dưới đê, cống tưới, cống tiêu, cống dưới đê bao, đê bối; một phai ghi (ga Việt Trì), sáu cửa khẩu đê tả Thao; 92 tuyến kè và 11 kè mỏ hàn Lê Tính, 33 điếm canh đê cùng nhiều tuyến đê kết hợp giao thông như Quốc lộ, đường tỉnh. Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ vở sông diễn ra khá phức tạp, trong đó có nhiều đoạn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, kinh tế. Hàng năm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan đầu tư, nâng cấp tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều. Đến nay, đã củng cố, nâng cấp gần 431km đê, gần 111km kè, duy tu sửa chữa 142 cống với tổng kinh phí gần 7.500 tỷ đồng và hàng trăm tỷ đồng để thực hiện duy tu, tu bổ thường xuyên đê điều, gia cố mặt đê và hành lang đê, xây dựng, xử lý cấp bách kè.

Theo báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước mùa mưa, lũ: Hầu hết các tuyến đê đều đảm bảo cao trình chống lũ; các cửa khẩu, phai ghi đê hữu Lô, phai ghi đường sắt cần phải hoàn triệt khi mực nước sông lên vượt cao trình hiện tại; một số đoạn của đê tả Thao, hữu Thao còn thấp, chưa đảm bảo cao trình chống lũ; đa số đê các lọi từ cấp I đến cấp IV còn thiếu cao trình thiết kế…

Năm vừa qua, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện đã phê duyệt bốn trọng điểm cấp tỉnh và tám trọng điểm cấp huyện. Đến nay có chín vị trí đã thi công, một số công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Tuyến đê tả Thao thuộc huyện Hạ Hòa; đê hữu Thao thuộc huyện Tam Nông; đê ngòi Giành, ngòi Vĩnh Mộ, đê tả ngòi Vần; cống Lò Lợn đê tả Thao đảm bảo an toàn phòng chống lũ; kè Cao Mại tả Thao, kè Xuân Lộc đê tả Đà; một điểm sạt lở bờ, vở sông đê hữu Lô; củng cố được gần 431 km đê và hành lang đê, còn lại các công trình đê điều đang thi công như đê hữu Thao, huyện Tam Nông (giai đoạn I của dự án); đê tả sông Thao, huyện Hạ Hòa; đê tả ngòi Vần; đê Đông Nam thuộc thành phố Việt Trì.

Đê tả Thao k1+500-k11+900 thuộc huyện Hạ Hòa đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa, lũ

Trước mùa mưa, lũ năm 2022 tỉnh đã xác định được 13 vị trí trọng điểm, vị trí xung yếu, trong đó Việt Trì, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Đoan Hùng mỗi huyện hai điểm; Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Sơn, Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ mỗi huyện một điểm. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh giao cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện xây dựng phương án bảo vệ cụ thể, thường xuyên kiểm tra các vị trí đang xảy ra sạt lở, các đoạn đê có dòng chảy áp sát bờ để kịp thời điều chỉnh, xử lý các sự cố công trình; sửa chữa các cống dưới đê bị hư hỏng. Trong đó, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm, lên phương án xử lý chống tràn, xử lý sự cố thẩm lậu, sạt trượt mái đê, hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế; huy động vật tư...

Cống Lê Tính tại vị trí K91+950 đê tả Thao xã Vĩnh Lại đã được huyện Lâm Thao xác định trọng điểm đê xung yếu và xây dựng phương án cần được bảo vệ hộ đê trong mùa mưa, lũ năm 2022. Đây là cống tiêu có bốn cửa, có nhiệm vụ tiêu nước cho các xã thuộc huyện Lâm Thao. Tuy nhiên, qua quá trình vận hành, tiêu năng cống đang bị sói mòn lở, hai bên mái kênh phía hạ lưu cống bị sạt trượt, ảnh hưởng cống và tuyến đê tả Thao. Để ứng phó với thiên tai, huyện Lâm Thao đã xây dựng phương án, đồng thời đưa ra tình huống để ứng phó kịp thời khi gặp phải những sự cố tương tự

Đã nhiều năm, tại thành phố Việt Trì khi những cơn mưa to đổ xuống một số tuyến phố, khu dân cư ngập nước ảnh hưởng đến người dân trong khu vực cũng như người qua đường. Năm nay phương án phòng chống lụt bão của thành phố xây dựng giả thiết nước tràn qua cửa khẩu, phai ghi đường sắt thuộc các phường Minh Nông, Tiên Cát, Bến Gót, Thọ Sơn có thể xảy ra khi mực nước sông tại Việt Trì khu vực Bến Gót đạt 16,9m cao hơn cao hơn mực nước báo động III là một mét và tiếp tục lên cao khu vực Thọ Sơn, Tiên Cát, Minh Nông đạt 17,6m cao hơn mực nước báo động III là 1,7m và tiếp tục lên cao, nước tràn qua các cửa khẩu. Trong khi đó, phai ghi đường sắt được xây dựng từ lâu, hiện nay đã xuống cấp rất khó khăn cho việc ngăn nước lũ tràn qua. Đồng chí Nguyễn Hữu Nho- Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết: “Chúng tôi đã đặt ra tình huống có sự cố xảy ra để không bị động; trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ linh hoạt chỉ đạo để xử lý tiêu thoát nước khu vực đô thị trong vòng 12 giờ, và tiến tới mưa đến đâu tiêu đến đó đảm bảo giao thông”.

Nằm trong hệ thống trọng điểm các công trình ngăn lũ, hồ đập cũng có vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa nguồn nước, đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của nhân dân. Hiện toàn tỉnh có gần 1.400 hồ đập thủy lợi, 283 trạm bơm tưới và tưới tiêu kết hợp. Mặc dù trong thời gian qua tỉnh ta đã quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ hệ thống các công trình thủy lợi, song các công trình chủ yếu được xây dựng từ rất lâu, nhiều công trình không đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ. Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau mùa mưa, lũ. Đối với các công trình bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành không được tích nước và có phương án ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Hàng năm Sở báo cáo với UBND tỉnh sử dụng nguồn vốn duy tu các công trình bị sự cố, xuống cấp. Tuy nhiên, để xử lý hết các công trình bị xuống cấp cần nguồn kinh phí lớn, vì vậy, Sở sẽ rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sửa chữa, nâng cấp những công trình hư hỏng, mức độ ảnh hưởng lớn.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều năm 2022 trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy PCLB tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đê điều, thủy lợi; kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình, phát hiện các sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sát với từng vùng để đạt hiệu quả cao nhất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về PCTT&TKCN…

Theo chức năng nhiệm vụ, các sở, ban, ngành lập phương án ứng phó, hiệp đồng nhân lực, phương tiện sẵn sàng hộ đê, phòng chống thiên tai. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, thị xã: Xây dựng phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm, phương án sơ tán dân, chuẩn bị nhân lực, 27 phương tiện, vật tư PCTT và TKCN, đặc biệt chú ý vận hành cống dưới đê kịp thời và tổ chức tuần tra canh gác đê trong mùa lũ, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố công trình đê điều. Các cấp, các ngành duy trì chế độ thường trực phòng chống thiên tai 24/24 giờ trong mùa lũ và khi có thiên tai bất thường xảy ra. Kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; thông tin kịp thời chính xác diễn biến thời tiết khí tượng thủy văn và diễn biến công trình, chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/dam-bao-an-toan-trong-mua-mua-lu/186592.htm