Đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường ở các làng nghề
Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục giữ bước tăng trưởng, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Sản xuất công nghiệp đa dạng về ngành nghề, phong phú về sản phẩm, trong đó có những ngành mũi nhọn dệt may, cơ khí đúc, điện tử, gia công kim loại và chế biến. Tuy nhiên, tại các địa phương vẫn còn có nhiều làng nghề tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
Toàn tỉnh hiện có 142 làng nghề, trong đó có 17 làng nghề truyền thống đang hoạt động: gia công cơ khí, tái chế kim loại, mạ; nhuộm tẩy; mây, tre đan; tái chế phế liệu; sản xuất đồ gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm… với tổng số khoảng 16 nghìn hộ làm nghề. Hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất làng nghề tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chủ yếu ở các làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tái chế kim loại như: làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh; làng nghề Vân Chàng, Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực); làng nghề Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên). Nước thải sản xuất ở các làng nghề, một phần được quay vòng, một phần thải ra kênh, mương thoát nước của địa phương; nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa bảo đảm được thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Khu vực sản xuất các làng nghề cơ khí, đúc, làng nghề tái chế nhựa hiện nay bị ô nhiễm khí thải cục bộ. Một số làng nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan như Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên); dệt nhuộm Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh)… phát sinh nước thải sản xuất gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Tại Ý Yên, hai con kênh S40 và S48 chảy qua địa bàn thị trấn Lâm, các xã Yên Ninh, xã Yên Tiến, xã Hồng Quang… với chiều dài khoảng 12km đã bị một số doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng làm nơi ngâm tre, nứa, luồng, gỗ khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại một số khu vực rác bị vứt tràn lan, nổi lềnh bềnh với đủ loại tạo nên mùi hôi thối. Chỉ tính làng nghề sơn mài, mây tre đan xuất khẩu tại xã Yên Tiến có khoảng 3.000 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm sơn mài tre, nứa chắp, mộc mỹ nghệ. Đa số các hộ dân tại đây đều sản xuất thủ công, nhận khoán sản phẩm gia công cho các doanh nghiệp nên ý thức bảo vệ môi trường hạn chế. Riêng sản xuất sơn mài, nứa chắp, mỗi ngày làng nghề tiêu thụ khoảng 100 tấn nứa.
Làng đúc nhôm Bình Yên hình thành cách đây hơn 30 năm, qua nhiều năm hoạt động, đến nay vẫn còn hơn 200 hộ làm nghề, chiếm 60-70% số hộ dân. Bình quân mỗi tháng làng nghề Bình Yên tái chế khoảng 1.500 tấn nhôm phế liệu, sử dụng trên 40 tấn than đá và 2 tấn hóa chất để tẩy trắng sản phẩm. Với lượng nguyên liệu này, mỗi ngày các hộ dân ở làng thải ra ngoài môi trường 4-5 tấn chất thải nguy hại, hàng trăm mét khối nước thải chứa hóa chất và cặn bã từ khâu tẩy rửa sản phẩm (gồm axit, xút, crom và một số hóa chất chuyên dụng khác) chưa qua xử lý. Những đóng góp tích cực của làng nghề mang lại nhiều giá trị kinh tế, việc làm cho nhiều lao động nông thôn; tuy nhiên nhiều hộ chỉ chú trọng vào sản xuất mà không quan tâm đầu tư cho việc xử lý chất thải. Trước thực trạng ô nhiễm, hàng năm chính quyền địa phương đã tiến hành cho nạo vét, thu gom nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục diễn ra.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đầu tư cải tạo, khơi thông hệ thống cống rãnh, mương thoát nước trong làng nghề đảm bảo không xảy ra tình trạng ngập úng, ứ đọng nước mưa, nước thải, cảnh quan môi trường dần thay đổi, chuyển biến tích cực. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường của người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường đã có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của các làng nghề là sản xuất thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu thấp, mặt bằng nhỏ hẹp, hệ thống cấp thoát nước xuống cấp, ý thức bảo vệ môi trường của nhiều hộ làm nghề và các doanh nghiệp chưa cao. Làng nghề truyền thống cũng là nơi ở của các hộ dân nên việc xử lý mạnh tay, dứt điểm của các cơ quan chức năng với các chủ cơ sở sản xuất có nhiều khó khăn. Hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề phát triển tự phát, manh mún, quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hoạt động không liên tục, sản xuất theo thời vụ; vẫn còn hiện tượng thành lập mới các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thuộc danh mục ngành nghề không được khuyến khích phát triển tại làng nghề. Do nguồn vốn có hạn nên việc đầu tư máy móc thiết bị mới vào sản xuất cũng như đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải còn khó khăn. Nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống thu gom nước mưa, chưa có biện pháp xử lý nước thải, khí thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường, chưa có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu… Trong khi đó, bộ máy nhân sự làm công tác quản lý về môi trường ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu so với thực tế tại địa phương.
Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các làng nghề mang lại nhiều giá trị kinh tế, việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn trong tỉnh. Nhưng do cách làm nặng tính tự phát, quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất bỏ qua yếu tố môi trường nên nhiều nơi bị ảnh hưởng ô nhiễm. Để các làng nghề phát triển bền vững, các cơ quan chức năng, các địa phương cần tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân làng nghề, gắn hoạt động bảo vệ, quản lý môi trường làng nghề với việc thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cần bố trí phân bổ quỹ đất phù hợp với quy hoạch của địa phương để xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề phục vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi khu dân cư đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không được khuyến khích phát triển và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài; nghiên cứu, khuyến khích người dân làng nghề áp dụng các công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, quy hoạch bố trí lại sản xuất để giảm chất thải... nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực làng nghề, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.