Đảm bảo chất lượng bữa ăn trường học cần sự giám sát chặt chẽ từ phụ huynh

Chuẩn bị vào năm học mới, nhiều phụ huynh lại băn khoăn trong việc chọn trường với một tiêu chí quan trọng là có chất lượng bán trú tốt, thể hiện qua tính minh bạch trong việc lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp bữa ăn học đường đảm bảo an toàn và dinh dưỡng.

Mong muốn chính đáng của phụ huynh được giám sát bữa ăn bán trú

Với tình trạng giá cả thực phẩm đang leo thang, chất lượng bữa ăn bán trú luôn là đề tài được các bậc phụ huynh quan tâm khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, mức chi phí cho bữa ăn học đường hiện tại còn thấp, khoảng 30.000 đồng mỗi suất ăn.

“Tôi cho rằng với các con lứa tuổi tiểu học cần sự chăm sóc toàn diện bên cạnh việc học kiến thức, vì vậy gia đình đặc biệt quan tâm tới chất lượng dịch vụ chăm sóc bán trú của các trường học, đặc biệt là bữa ăn bán trú.

Việc duy trì bữa ăn đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm không dễ dàng nếu chỉ đơn phương nhà trường đứng ra giám sát đơn vị cung cấp bữa ăn mà rất cần có sự phối hợp từ phía phụ huynh học sinh” – chị Nguyễn Thanh Hằng, phụ huynh học sinh quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Thực tế vẫn còn không ít trường học không coi việc "nuôi trẻ" là quan trọng, mà chỉ tập trung vào việc "dạy". Điều này dẫn đến thực đơn đơn điệu, thường chỉ có thịt lợn và một vài loại rau, không đảm bảo đủ dinh dưỡng và không giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.

Trẻ em cần một thực đơn đa dạng để tránh nguy cơ thừa cân, béo phì và tạo thói quen ăn uống tốt trong tương lai. Trên thực tế không phải đơn vị cung cấp suất ăn nào cũng có đủ năng lực về tài chính và năng lực nhân sự để đầu tư nghiên cứu món ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT cũng đánh giá, công tác tổ chức bữa ăn học đường vẫn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu, thực đơn chưa dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi, và nhận thức về vai trò của bữa ăn học đường còn hạn chế.

Nhân lực để tổ chức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm tại trường học vẫn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Trong khi đó, Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam đã xây dựng bộ thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, cân đối protein, glucid và lipid, chú trọng thực phẩm theo mùa và địa phương, giảm muối và đường, thực đơn không lặp lại món ăn chính trong vòng 4 tuần, ví dụ thịt lợn chỉ nên xuất hiện tối đa 3 lần/tuần và được chế biến khác nhau.

Tuy nhiên, rất ít trường học hiện nay áp dụng các thực đơn này, mà chủ yếu tự đưa ra các thực đơn đơn giản.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT khẳng định chất lượng bữa ăn học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà còn là trách nhiệm chung của cả phụ huynh và các cơ quan chức năng.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho học sinh, cần có sự hợp tác chặt chẽ và minh bạch giữa các bên liên quan.

Việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường sẽ góp phần tạo nên môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho học sinh.

Năm học 2023-2024, cơ quan chức năng đã phải xác minh không ít phản ánh về bữa ăn bán trú không đảm bảo chất lượng

Năm học 2023-2024, cơ quan chức năng đã phải xác minh không ít phản ánh về bữa ăn bán trú không đảm bảo chất lượng

Cần thẩm định năng lực thực tế

Năm học 2024-2025 dự kiến số học sinh đầu cấp của Hà Nội sẽ tăng khoảng 70.000 học sinh.

Để đáp ứng nhu cầu học tập, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, 2 trường mầm non công lập mới đang được các đơn vị gấp rút hoàn thiện, kịp thời đón học sinh vào năm học mới 2024-2025.

Cũng tại quận Hoàng Mai, Trường Tiểu học Trần Phú cũng đang được hoàn thiện.

Trong 12 dự án trường học được xây mới sẽ có 9 trường được đưa vào hoạt động năm học 2024- 2025 ở quận Hoàng Mai.Ở bậc trung học cơ sở, quận Hà Đông và Bắc Từ Liêm đều đưa thêm một trường vào sử dụng trong năm học này.

Việc mở thêm trường mới là cần thiết nhưng cũng khiến không ít phụ huynh băn khoăn vì khi tách khỏi trường cũ, không chỉ môi trường học tập thay đổi mà các nhà cung cấp suất ăn của trường cũng thay mới.

Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Đống Đa, quận Đống Đa, cho hay sau khi Trường Tiểu học Tiểu học Kim Liên tách thành hai trường Tiểu học Kim Liên và Tiểu học Đống Đa, chị được biết nhà cung cấp suất ăn lâu năm của trường cũ đã được thay mới trong khi đơn vị cũ được trường Tiểu học Kim Liên và phụ huynh thẩm định năng lực.

“Đây là đơn vị đã cung cấp suất ăn cho trường con tôi nhiều năm, có kinh nghiệm. Trong khi đơn vị mới phụ huynh chưa thẩm định được năng lực thực tế, điều đó khiến chúng tôi rất băn khoăn” – phụ huynh này cho hay.

Thực tế, không ít phụ huynh khi cho con sang trường mới cũng băn khoăn cùng một vấn đề này và cùng bày tỏ mong muốn khi nhà trường thay đổi nhà cung cấp mới hãy chia sẻ với phụ huynh học sinh các thông tin về nhà cung cấp để các bên cùng thẩm định năng lực thực tế.

Nếu năng lực đúng với hồ sơ tuyển chọn thì phụ huynh hoàn toàn yên tâm.

Việc nhiều đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học nhập nguồn thực phẩm từ bên thứ ba, thứ tư là khá phổ biến. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Việc kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm trong thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe học sinh.

Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng được phổ biến rõ về trách nhiệm, quyền lợi trong việc tham gia trực tiếp với nhà trường để thẩm định nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn trước khi quyết định đơn vị cung cấp.

“Chúng tôi mong muốn có sự minh bạch hơn trong việc lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp bữa ăn học đường, để đảm bảo rằng con em chúng tôi được sử dụng thực phẩm an toàn và dinh dưỡng”, chị Hoàng Minh Lan, phụ huynh học sinh quận Ba Đình chia sẻ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dam-bao-chat-luong-bua-an-truong-hoc-can-su-giam-sat-chat-che-tu-phu-huynh-post583337.antd