Đảm bảo chất lượng đào tạo và quyền lợi thí sinh

Điểm chuẩn đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay tăng so với năm trước ở hầu hết các trường đại học thuộc tốp trên. Đặc biệt, một số ngành như: sư phạm, báo chí, điểm trúng tuyển bằng phương thức này cao chót vót. Không ít thí sinh dù đạt trên 9 điểm/môn vẫn không trúng tuyển đợt 1, đành phải chờ đăng ký nguyện vọng bổ sung ở đợt 2.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất là do chỉ tiêu của các trường dành cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng ít đi để nhường cho hàng loạt phương thức xét tuyển sớm khác như: xét bằng học bạ, học sinh giỏi, thi đánh giá năng lực… Do muốn an toàn trong tuyển sinh, nhiều trường không chỉ tăng chỉ tiêu, mà còn dành chính sách ưu tiên cho những thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, “đẩy” những thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vào cuộc cạnh tranh gay gắt hơn.

Nguyên nhân thứ 2 có thể thấy rõ, các trường thuộc tốp đầu luôn là lựa chọn số một đối với những thí sinh có học lực giỏi, điểm thi cao ở từng tổ hợp môn. Việc “đổ dồn” thí sinh vào những trường này trong khi chỉ tiêu ít, điểm trúng tuyển lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu nên cơ hội trúng tuyển càng khó khăn hơn.

Nguyên nhân thứ 3 khiến cho việc có không ít thí sinh dù điểm thi tốt nghiệp rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển là do chính sự chủ quan của các em trong quá trình đăng ký nguyện vọng. Vì nghĩ chắc chắn mình sẽ trúng tuyển nên không ít em chỉ đăng ký 1-2 nguyện vọng vào những trường, những ngành có đông thí sinh cùng đăng ký, dẫn đến trượt hết các nguyện vọng này, đành ngậm ngùi chờ đợt xét tuyển bổ sung.

Kết quả xét tuyển đại học đợt 1 cho thấy tín hiệu đáng mừng khi những trường có uy tín trong đào tạo vẫn giữ vững được chất lượng tuyển sinh đầu vào, điểm trúng tuyển cao và hầu hết đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1. Tuy nhiên, giữa mỗi ngành của các trường đại học khác nhau vẫn có sự chênh lệnh điểm khá lớn, trong khi có trường 28-29 điểm mới trúng tuyển thì nhiều trường, thí sinh chỉ cần 14-15 điểm đã có thể vào học. Bên cạnh đó, việc có quá nhiều thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm đã làm tăng điểm chuẩn thi tốt nghiệp, khiến những thí sinh có điểm thi rất cao nhưng vẫn rớt…

Đây là những vấn đề rất cần sự phân tích, đánh giá một cách nghiêm túc từ các ngành, đơn vị có liên quan, đặc biệt là Bộ Giáo dục và đào tạo nhằm đưa ra một phương án tuyển sinh vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo công bằng cho các thí sinh khi tham gia xét tuyển giữa các phương thức khác nhau.

Nguyễn Phượng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/dam-bao-chat-luong-dao-tao-va-quyen-loi-thi-sinh-5057902/