Đảm bảo cơ cấu tổ chức Bộ Tư pháp hiệu lực, hiệu quả

Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Theo đó, Nghị định số 96/2017/NĐ-CP được ban hành đã cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Bộ Tư pháp theo hướng quản lý đa lĩnh vực, bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách pháp luật. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định số 96/2017/NĐ-CP đạt nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, nhiều quy định của Nghị định đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp với các văn bản mới được ban hành cũng như thực tiễn thực hiện tổ chức, hoạt động của Bộ cần thiết phải được sửa đổi. Cụ thể, dự thảo Nghị định giữ nguyên bố cục gồm 05 điều như Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, đồng thời có sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa, cập nhật những quy định mới tại văn bản pháp luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, bổ sung chức năng “trợ giúp pháp lý” – chức năng đã được giao cho Bộ Tư pháp theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Cùng với quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, trợ giúp pháp lý đang trở thành một trong lĩnh vực công tác quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp, góp phần vào việc bảo đảm thực hiện quyền con người, tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp cho người dân. Dự thảo Nghị định cũng sẽ cập nhật các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao bổ sung tại các văn bản Luật, Nghị định để bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp tiếp tục giữ ổn định mô hình tổ chức đối với 19 đơn vị, không tăng đầu mối các đơn vị thuộc Bộ và đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động của một số đơn vị để phù hợp với quy định mới về tổ chức bộ máy và yêu cầu công tác của Bộ. Cụ thể, chuyển đổi Cục Con nuôi thành Vụ Con nuôi, để thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về lĩnh vực nuôi con nuôi; giải quyết các việc về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật; giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam.

Chuyển đổi Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy vai trò tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể về phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật, Nghị định và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức lại Cục Công tác phía Nam thành Cục Tư pháp địa phương, đổi tên Viện Khoa học pháp lý thành Viện Chiến lược và khoa học pháp lý.

Đối với các đơn vị khác thuộc Bộ, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục rà soát để kiện toàn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn đảm bảo không chồng chéo, phân công hợp lý, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục duy trì phòng thuộc một số Vụ đặc thù có quy mô từ 30 biên chế trở lên, nhiều mảng công việc và có chức năng xây dựng pháp luật, quản trị nhân sự, hoặc tham gia đàm phán quốc tế, hoạt động đối ngoại cần có lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên, đảm bảo tính chuyên sâu, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ công tác.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến về việc rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ đảm bảo yêu cầu ngắn gọn, thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khái quát, chặt chẽ, khoa học; gia cố thêm chức năng, nhiệm vụ của Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật để làm rõ nét thực tế, vai trò, vị trí làm cơ sở để kiện toàn tổ chức; phân cấp, phân quyền Cục Tư pháp địa phương để không bị trùng lắp…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Nghị định này để thực hiện các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật mới có liên quan và giải quyết những vướng mắc, bất cập có trong các quy định hiện hành của Nghị định số 96.

Qua đó, Thứ trưởng đề nghị làm rõ nhiệm vụ về tiếp cận thông tin, rà soát bảo đảm không trùng lắp nhiệm vụ trong các lĩnh vực quản lý của Bộ; bổ sung số liệu, giải trình, làm rõ hơn sự cần thiết với một số đơn vị thuộc Bộ; bổ sung nội dung kết quả rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự mà Bộ đã thực hiện; tiếp tục duy trì cấp phòng cho 1 số đơn vị đặc thù có quy mô từ 30 biên chế trở lên để đảm bảo tính chuyên sâu, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ công tác…

Thanh Trà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dam-bao-co-cau-to-chuc-bo-tu-phap-hieu-luc-hieu-qua-post439457.html