Đảm bảo công bằng trong học tập, không để ai bị bỏ lại phía sau
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về tăng cường nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2023-2030.
Trường THCS Hữu Nghị (TP Hòa Bình) hỗ trợ các phụ huynh hoàn thiện hồ sơ cho học sinh chuẩn bị năm học mới.
Theo đó, quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát triển giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đảm bảo công bằng trong học tập, không để ai bị bỏ lại phía sau. Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển bền vững, ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triền kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tạo đột phá trong đối mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển nhân tố mới, bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù họp.
Nhà nước quan tâm đầu tư, đồng thời khuyến khích, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; phát huy mạnh mẽ sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc phát triển giáo dục và đào tạo. Mục tiêu chung nhằm huy động các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục, bao gồm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, ngoại ngữ, tin học, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo về số lượng, đạt chuẩn về trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, chủ động, thích ứng, phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn tới.
Nghị quyết cũng đề ra 4 mục tiêu cụ thể và 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và quản lý của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương và Nhân dân trong công tác chăm lo, phát triển giáo dục và đào tạo.
Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng và Nhà nước về: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; quan điềm giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chăm lo cho giáo dục và đào tạo là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mọi tầng lớp Nhân dân; tạo sự đồng thuận, tin tưởng của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...
Nghị quyết cũng nêu rõ, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung nghị quyết đến các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Đảng đoàn HĐND tỉnh chủ trì, phối họp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm thực hiện hiệu quả nghị quyết, đồng thời giám sát công tác tổ chức thực hiện…
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành Đề án thực hiện nghị quyết; chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện; rà soát, bổ sung hoặc xây dựng cơ chế, chính sách mới trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện; tham mưu sơ kết, tồng kết theo quy định.