Đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân
Các đợt bão lụt vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư cho nhiều trạm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Vượt lên những khó khăn, cán bộ, nhân viên các trạm y tế đã nỗ lực đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân và phòng, chống dịch bệnh trong và sau bão lụt.
Thiệt hại nặng nề
Trong các đợt lũ vừa qua, Trạm Y tế xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đều bị ngập, trong đó lần nặng nhất ngập trên 1 m. Ở vùng thấp, tuy đã triển khai các giải pháp ứng phó nhưng do nước lên nhanh, ngập sâu nên đã gây ra thiệt hại nặng nề với nhiều phương tiện, trang thiết bị và vật tư y tế máy móc bị hư hỏng. Đặc biệt, nước lũ đã làm một phòng khám sản khoa và hành lang bị sụt lún, 1 phòng chờ cho bệnh nhân bị lở tường và cửa sổ hỏng hoàn toàn. Trưởng Trạm y tế xã Triệu Thượng Hồ Thị Thùy Lanh cho biết: “Với 7 cán bộ y tế, hằng năm, trạm đã đón tiếp và thực hiện khám chữa bệnh cho trên 4.000 lượt người dân trên địa bàn. Những thiệt hại do mưa lũ gây ra thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh cho người dân địa phương”. Với mực nước ngập thời điểm cao nhất lên đến 1,6 m, Trạm Y tế xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cũng chịu nhiều thiệt hại. Trưởng Trạm Y tế xã Cam Thủy Hoàng Ngọc Linh thông tin: “Mặc dù đã được che chắn, bảo vệ và đặt ở vị trí cao nhưng do tình hình mưa lũ kéo dài, mực nước dâng cao hơn nhiều so với các năm trước nên nhiều trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ hoạt động của đơn vị bị hư hỏng. Bên cạnh đó, vườn thuốc nam với nhiều loại cây thuốc quý cũng bị thiệt hại do mưa lũ”.
Với những trạm y tế ở vùng cao, mưa lũ cũng đã ảnh hưởng lớn đến cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trạm Y tế xã Thanh, huyện Hướng Hóa mặc dù không bị ngập lụt nhưng mưa lớn kèm theo gió mạnh đã gây nhiều thiệt hại, đặt ra những khó khăn rất lớn cho hoạt động chuyên môn. Trưởng trạm Y tế xã Thanh Hồ Thị Hữu thông tin: “Toàn bộ mái tôn ở phòng khám, phòng lưu bệnh nhân, phòng sinh của trạm bị hỏng nên mỗi lần trời mưa, các phòng trên không thể sử dụng được. Một dãy nhà khác gồm các phòng nhưtruyền thông, tiêm chủng, hành chính cũng bị sụt lún móng. Bên cạnh đó, do đặc thù của địa hình vùng cao bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối nên bước vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, nhiều thôn bản đã bị chia cắt, gây trở ngại cho việc khám chữa bệnh của người dân”.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng cho biết: “Đã có trên 50 % trạm y tế trên địa bàn tỉnh bị ngập do các đợt bão lũ trong thời gian qua, trong đó có 40 trạm y tế bị ngập nặng, nhiều trạm bị lún nền, sập tường rào, hệ thống mái che bị thấm dột…Với quyết tâm cao của ngành y tế, sự nỗ lực của các địa phương, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này, các trạm y tế trong tỉnh đã cơ bản khôi phục hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại cơ sở, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ”.
Vượt khó vì sức khỏe của người dân
Thiệt hại do mưa lũ đối các trạm y tế rất nặng nề, tuy nhiên không vì thế mà công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trong mùa mưa lũ bị gián đoạn. Bằng nhiều cách làm khác nhau, phù hợp với điều kiện, tình hình của mỗi địa phương, các trạm y tế bị ngập lụt đã khắc phục khó khăn, khôi phục hoạt động để thực hiện tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân địa phương. Chia sẻ về cách làm của đơn vị, Trưởng Trạm Y tế xã Cam Thủy Hoàng Ngọc Linh cho hay: “Trong những ngày mưa lũ, trạm bị ngập sâu trong nước. Để sẵn sàng khám chữa bệnh cho người dân khi cần thiết, trạm đã bố trí cán bộ trực 24/24 h tại trung tâm xã với cơ số thuốc được chuẩn bị đầy đủ. Đối với những trường hợp bệnh nặng, cấp cứu, các cán bộ y tế đã liên hệ trực tiếp với tổ cấp cứu ngoại viện của Trung tâm y tế huyện để người bệnh được cứu chữa kịp thời. Lũ rút, trong điều kiện cơ sở vật chất bị hư hỏng,thiếu thốn mà nhu cầu khám chưa bệnh của người dân lại tăng cao, trạm đã kịp thời thông tin, hướng dẫn người dân thực hiện kiểm tra sức khỏe, đồng thời xử lý môi trường, đảm bảo nguồn nước sạch để sử dụng”.
Lũ đi qua, trong điều kiện thiếu phòng làm việc, một số trang thiết bị y tế bị hư hỏng song đội ngũ cán bộ y tế của Trạm Y tế Triệu Thượng cũng đã vượt khó, hằng ngày vẫn sắp xếp, bố trí lịch khám bệnh hợp lý tại trạm để phục vụ người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Đội ngũ nhân viên y tế ở các thôn đã tận tình hướng dẫn người dân địa phương thực hiện tốt vệ sinh môi trường sau lũ; kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước bảo đảm vệ sinh để sử dụng. Đối với các bệnh phát sinh sau lũ như bệnh ngoài da, mắt đỏ, tiêu chảy, ốm sốt do nhiễm lạnh… đều được trạm phát hiện, điều trị kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Với phương châm đảm bảo cho 100% người dân trên địa bàn được chăm sóc sức khỏe khi có nhu cầu, thời gian trong và sau lũ, đội ngũ cán bộ y tế xã Thanh cũng đã nỗ lực vượt khó để đến với bà con. “Đối với những bản xa, bị chia cắt do mưa lũ không thể đến trạm y tế để thăm khám bệnh, trạm đã phân công nhiệm vụ cho các nhân viên y tế thôn, bản theo dõi tình hình sức khỏe cho người dân, đồng thời hướng dẫn bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe. Đối với những bệnh phức tạp, các nhân viên y tế thôn bản đã liên hệ trực tiếp với trạm để người bệnh được cứu chữa kịp thời. Nhờ có kế hoạch chuẩn bị chu đáo nên những ngày mưa lũ tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt, tạo thêm lòng tin cho người dân đối với đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở”, Trưởng Trạm y tế xã Thanh Hồ Thị Hữu cho biết.
Có thể khẳng định, sự nỗ lực khắc phục khó khăn của các trạm y tế vùng lũ đã tạo điều kiện tốt nhất để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như phòng, chống hiệu quả dịch bệnh ngay tại cơ sở trong mùa mưa lũ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153140