Đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Theo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, dự kiến, tổng lượng hàng hóa tiêu dùng trong tháng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 khoảng 52.911 tấn, trị giá khoảng 2.859,7 tỷ đồng, tăng 8,66% so với cùng kỳ năm 2024.

Người dân mua sắm tại Co.opmart Kiên Giang.

Người dân mua sắm tại Co.opmart Kiên Giang.

Một số mặt hàng nhu yếu phẩm có mức tiêu thụ lớn gồm 13.358,4 tấn gạo, trị giá 270 tỷ đồng; 5.033,6 tấn thịt các loại, trị giá 1.009 tỷ đồng; 5.459,5 tấn tôm cá, trị giá 840,8 tỷ đồng; và 9,87 triệu quả trứng gia cầm, trị giá 31,4 tỷ đồng.

Để đảm bảo nguồn cung, Sở Công thương tỉnh Kiên Giang đề nghị các doanh nghiệp chủ lực trong tỉnh xây dựng kế hoạch dự trữ vật tư, nguyên liệu để sản xuất, đồng thời dự trữ hàng hóa để cung ứng kịp thời khi xảy ra tình trạng khan hiếm. Sở cũng yêu cầu giám sát việc bán hàng trong hệ thống phân phối để ngăn chặn tình trạng đầu cơ hàng hóa, gây sốt giá.

Tại Co.opmart Rạch Giá đã chuẩn bị khoảng 2.500 tấn hàng, trị giá 70 tỷ đồng để phục vụ người dân. Các mặt hàng thiết yếu được cung cấp với giá bình ổn, tăng 200% so với ngày thường, chủ yếu phục vụ bán hàng bình ổn và phục vụ nhu cầu của khách hàng từ các huyện.

Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC) cũng đã chủ động sản xuất và dự trữ các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tổng trị giá hàng dự trữ của công ty là 94,358 tỷ đồng, bao gồm 2,4 triệu lít xăng, 1,9 triệu lít dầu, 1.016 tấn gạo, và 300.000 lon cá hộp.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang đã triển khai chương trình bình ổn giá tại các xã đảo như Tiên Hải, Sơn Hải, Hòn Nghệ, Hòn Tre, An Sơn, Nam Du và Lại Sơn. Tổng lượng hàng hóa cung cấp tại các xã đảo này là 150 tấn, trị giá 4,5 tỷ đồng, gồm gạo, nếp, đậu các loại, bánh, kẹo, mứt và nước giải khát. Thời gian bán hàng bình ổn kéo dài từ ngày 6 đến 19-1.

Tin và ảnh: THANH NHÃ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/dam-bao-cung-ung-hang-hoa-dip-tet-nguyen-dan-at-ty-24132.html