Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn trên địa bàn tỉnh
Ngày 16-1, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Hiện nay, ngành y tế đang quản lý hơn 12,1 ngàn cơ sở thực phẩm. Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh quản lý hơn 1 ngàn cơ sở, còn lại do tuyến huyện và tuyến xã quản lý.
Trong năm 2024, công tác đảm bảo ATTP nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo, sự hưởng ứng của người dân và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP đã được triển khai rộng rãi. Công tác kiểm tra, hậu kiểm ATTP được chú trọng. Qua kiểm tra đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ATTP được cải tiến, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do Đồng Nai tập trung nhiều doanh nghiệp có nhiều bếp ăn tập thể, cũng là địa phương phát triển về chăn nuôi nên việc kiểm soát ATTP ngay từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào còn gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng giết mổ không phép chưa được kiểm soát triệt để; số lượng cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cũng chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa cao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATTP đến người dân, người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, tạo sự thay đổi tích cực từ kiến thức đến hành vi trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khi phát hiện, công khai các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.