Đảm bảo điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

ĐBP - Năm học 2021 - 2022 chính thức khai giảng ngày 5/9/2021. Đến thời điểm này các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên; bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sẵn sàng cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 2 và lớp 6.

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc (TX. Mường Lay) tập huấn trực tuyến Chương trình sách giáo khoa mới lớp 6, chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022.

Năm học 2020 - 2021, tỉnh ta đã thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Theo kết quả đánh giá, chất lượng giáo dục học sinh lớp 1 tăng so với năm học trước; đảm bảo yêu cầu về phẩm chất và năng lực; học sinh đọc thông, viết thạo, tự tin, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động. Tổng kết năm học, tổng số học sinh lớp 1 tham gia đánh giá 15.647 học sinh (hoàn thành xuất sắc 24,17%; hoàn thành tốt 24,14%; hoàn thành 50,36%; chưa hoàn thành 1,32%).

Từ kết quả và kinh nghiệm triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học 2021 - 2022, năm học đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6, ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học giai đoạn 2021 -2025, đáp ứng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Các phòng học được trang bị bổ sung máy chiếu, tủ đựng thiết bị dạy học, hệ thống chiếu sáng, quạt và góc thư viện. Đồng thời tổ chức tập huấn bồi dưỡng thường xuyên trên phần mềm LMS mô đun 1, 2, 3 cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên.

Chúng tôi về Trường Tiểu học số 1 Na Sang (huyện Mường Chà) những ngày cuối tháng 8 khi Trường đang gấp rút chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới. Cô Ngô Thanh Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm an toàn phòng dịch khi học sinh tựu trường, một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học này là triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới đối với lớp 2. Nhà trường đã tổ chức tập huấn kỹ cho đội ngũ giáo viên 3 mô đun về hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng như phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Điểm mới của chương trình GDPT 2018 là triển khai theo hướng mở, giáo viên được quyền tự chủ về nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Mỗi bài học được thiết kế gồm các hoạt động: Khởi động, khám phá, luyện tập thực hành, vận dụng giúp học sinh tích cực và chủ động trong học tập; đồng thời, giúp học sinh phát triển năng lực và vận dụng kiến thức đã học và thực tế cho cuộc sống. Theo kế hoạch, ngay sau khi học sinh lớp 2 tựu trường, các thầy cô giáo sẽ dành tuần đầu tiên giúp các em làm quen với chương trình, SGK và phương pháp dạy học mới. Đồng thời, trao đổi với phụ huynh để kết hợp với nhà trường và gia đình hỗ trợ các em tiếp cận nhanh với nội dung, chương trình và phương pháp học tập mới nhằm đạt kết quả tốt nhất.

Cũng như nhiều cơ sở giáo dục khác trên địa bàn, những ngày này các thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, TX. Mường Lay đang tập trung dọn dẹp, chỉnh trang trường lớp học, đảm bảo các điều kiện phòng dịch Covid-19 an toàn để đón học sinh tựu trường. Cô Lương Thị Thắm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới của trường đã hoàn tất. Đặc biệt, để phục vụ dạy học theo Chương trình GDPT mới, trường đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các mô đun giảng dạy theo yêu cầu đối với các cán bộ, giáo viên giảng dạy các bộ môn thuộc khối lớp 6. Điểm mới của Chương trình GDPT 2018 là có thêm 2 môn Giáo dục trải nghiệm và Giáo dục địa phương. Đồng thời, đây là năm đầu tiên triển khai dạy các môn tích hợp: Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh); Địa lý và Lịch sử. Việc triển khai dạy 2 tổ hợp này với các trường THCS đang dạy chương trình hiện hành sẽ có một số bỡ ngỡ nhất định. Đối với đơn vị, hiện trên địa bàn thị xã đang thực hiện mô hình trường học mới từ năm 2015, nên đã thực hiện dạy tổ hợp 2 môn (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) nên về cơ bản nhà trường đã tiếp cận và triển khai giảng dạy theo hình thức tích hợp (chỉ khác là chương trình mới không gọi là môn Khoa học xã hội mà thay bằng môn Lịch sử - Địa lý) cộng với công tác tập huấn kĩ càng của ngành nên trường cũng không quá bỡ ngỡ. Ngoài ra, việc triển khai dạy môn tổ hợp phải có 2 - 3 giáo viên/môn, nên đòi hỏi phải có sự thống nhất trao đổi giữa các giáo viên trong quá trình giảng dạy. Khi ra đề kiểm tra thì nội dung, số lượng câu hỏi của từng phần ứng với số tiết quy định và phải có những câu hỏi tích hợp của các phân môn với nhau. Đối với các môn tổ hợp, thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã, những năm qua, nhà trường đã có các buổi sinh hoạt chuyên môn theo tổ, những giáo viên được phân công dạy tổ hợp sẽ họp bàn và thống nhất với Ban Giám hiệu trường ra các đề kiểm tra để đưa vào ngân hàng đề của nhà trường. Từ đó, phần nào giúp giáo viên thuận tiện trong quá trình giảng dạy, đánh giá học sinh, góp phần giảm tải áp lực cho giáo viên...

Việc chuẩn bị cho Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021 - 2022 được ngành Giáo dục và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn chủ động. Từ việc lựa chọn SGK, biên soạn chương trình giáo dục địa phương, đến việc đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp học, SGK cho học sinh. Mặc dù trong điều kiện thiếu giáo viên nhưng ngành giáo dục đã ưu tiên, lựa chọn giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng tham gia giảng dạy lớp 2, 6 trong năm học 2021 - 2022. Đến thời điểm hiện tại, đội ngũ nhà giáo cùng với các nhà trường đã sẵn sàng triển khai, thực hiện Chương trình GDPT mới 2018 với mục tiêu đạt kết quả cao nhất.

Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/190023/dam-bao-dieu-kien-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018