Đảm bảo giao thương khi có dịch bệnh

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đúng vào thời điểm thu hoạch nhiều loại nông sản xuất khẩu, nên đã gây ra nhiều khó khăn cho quá trình giao thương hàng hóa. Kịch bản thúc đẩy sản xuất, kinh doanh được xác định là 'vừa phòng dịch, vừa ổn định sản xuất, kinh doanh', đảm bảo hàng hóa thông thương trong tỉnh và tìm hướng xuất khẩu.

Giữ ổn định thị trường

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành công thương triển khai các giải pháp giữ vững thị trường, đảm bảo hàng hóa lưu thông, nhất là vùng có dịch bị phong tỏa, vùng có nguy cơ cao. Nhờ đó, thị trường Quảng Ngãi chưa xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh, tạo khan hiếm giả để đẩy giá lên cao, nhằm thu lợi bất chính. Giá cả thị trường, trừ những mặt hàng liên quan đến nhập khẩu và nhóm ngành vật liệu xây dựng tăng cao, còn các mặt hàng khác, nhất là hàng hóa thiết yếu, giá bán cơ bản giữ ổn định.

Công nhân gia công hàng xuất khẩu tại Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành.

Quyền Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Võ Minh Tâm cho biết: "Các siêu thị, cửa hàng, chợ mở bán bình thường, áp dụng biện pháp phòng dịch theo yêu cầu. Một số siêu thị, trung tâm thương mại triển khai đồng loạt các biện pháp khuyến mại, giảm giá. Tại nơi bị phong tỏa, hàng hóa vẫn lưu thông bình thường do ngay trong khu vực này có nhiều đại lý, với số lượng hàng hóa dự trữ lớn; đồng thời, những mặt hàng thiết yếu vẫn được đưa đến phục vụ, nếu người dân có nhu cầu".

Đối với việc đưa hàng hóa đến miền núi, hải đảo, nông thôn vẫn diễn ra bình thường, không xảy ra tình trạng thiếu hàng. Tại các khu dân cư ở vùng giáp ranh, KKT và các KCN, việc cung ứng hàng hóa được xây dựng kịch bản chặt chẽ theo các cấp độ phòng dịch. Riêng đối với các công trường đang xây dựng thủy điện lớn tại miền Tây Trà Bồng, hàng hóa thiết yếu được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp lớn, sẵn sàng cung ứng đầy đủ kể cả khi có dịch xảy ra.

Theo báo cáo của Sở Công thương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,86% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm ước đạt 19.311 tỷ đồng, đạt 35,2% kế hoạch năm 2021, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020...

Xuất khẩu thông thương

Hiện tại, các nhà máy, xí nghiệp trong KKT Dung Quất và các KCN tỉnh vẫn tích cực vừa phòng dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 572,5 triệu USD, đạt 40,9% kế hoạch năm, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: Thủy sản chế biến, tinh bột mì, đồ gỗ, dăm gỗ nguyên liệu giấy, may mặc, dầu FO, sợi dệt các loại, linh kiện điện tử, giày da. Đặc biệt là, mặt hàng thép tăng 77,6%, đạt 186,5 triệu USD. Theo Cục Hải quan tỉnh, thuế thu từ xuất khẩu trong 4 tháng ước đạt hơn 3.500 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch năm 2021.

Hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân tại xã Trà Phong (Trà Bồng) luôn dồi dào.

Đối với xuất khẩu nông sản, hiện Quảng Ngãi đã thu hoạch xong vụ dưa hấu đầu tiên năm 2021, với giá bán bình quân khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg. Tuy giá không cao và ở thời điểm này đang có dấu hiệu giảm xuống, nhưng tình hình tiêu thụ hiện tại vẫn tương đối ổn định, chưa xảy ra ùn ứ đến mức độ phải kêu gọi "giải cứu". Riêng mặt hàng ớt, do giá quá thấp và tiêu thụ khó khăn, các tiểu thương đã thu mua cho nông dân, đem phơi khô tăng thời gian bảo quản, chờ cơ hội đưa đi tiêu thụ.

"Sở Công thương đã lên kịch bản tham mưu UBND tỉnh triển khai giải pháp đảm bảo ổn định thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời khi dịch bùng phát, giao thương bị đình trệ. Song, do tình hình dịch đã được kiểm soát, giao thương vẫn bình thường, nên chưa cần thiết áp dụng", Phó Giám đốc Sở Công thương Đỗ Tiến Đạt cho biết.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202105/dam-bao-giao-thuong-khi-co-dich-benh-3058722/