Nhiều doanh nghiệp Đức 'ngược dòng', mang hàng hóa tốt nhất đến Trung Quốc để cạnh tranh

Trong khi ngày càng nhiều công ty đa quốc gia tránh xa Trung Quốc vì bối cảnh kinh tế thay đổi và căng thẳng địa chính trị dai dẳng với phương Tây, một công ty hàng đầu thế giới về xe ô tô lại mở rộng đầu tư vào nước này.

Quy mô khổng lồ thu hút loạt “ông lớn” nước ngoài

Gã khổng lồ công nghiệp chuyển động của Đức SEW-Eurodrive đang cố gắng hiện thực hóa một kế hoạch đầu tư mới tại thành phố Tô Châu, miền đông Trung Quốc sau khi bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất thứ ba tại nước này vào tháng 2 đầu năm, ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

Zhao Gang, Tổng giám đốc hoạt động tại Tô Châu của công ty Đức này cho biết: "Chúng tôi luôn tràn đầy tự tin vào triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc".

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu, và trong bối cảnh xu hướng rời bỏ đại lục ngày càng rộng rãi, công ty đa quốc gia do gia đình điều hành này là một trong số các công ty châu Âu – đặc biệt là các nhà sản xuất tiên tiến của Đức – vẫn cam kết đồng hành với Trung Quốc.

Quy mô thị trường khổng lồ của đất nước này, cùng với hàng loạt các chiến dịch thu hút đã thuyết phục họ ở lại và tăng đầu tư, nhưng họ ngày càng áp dụng chiến lược “in China for China” (tạm dịch Tại Trung Quốc vì Trung Quốc) để đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các công ty trong nước và trước rủi ro gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo các giám đốc điều hành của một số công ty đó.

Zhao đánh giá cao môi trường đầu tư của Trung Quốc và cho biết chính quyền địa phương "rất ủng hộ" các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi tiềm năng tăng trưởng ở thị trường khổng lồ này là lý do lớn khiến công ty ông lạc quan.

Ông lưu ý rằng công ty có 7 nhà máy lắp ráp khác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, nhưng tổng doanh số bán hàng tại những nơi đó chỉ chiếm chưa đến 20% so với doanh số bán hàng tại Trung Quốc.

 Quy mô thị trường khổng lồ của Trung Quốc, cùng với hàng loạt các chiến dịch thu hút đã thuyết phục các doanh nghiệp Đức ở lại và tăng đầu tư. (Nguồn: Henry Wong)

Quy mô thị trường khổng lồ của Trung Quốc, cùng với hàng loạt các chiến dịch thu hút đã thuyết phục các doanh nghiệp Đức ở lại và tăng đầu tư. (Nguồn: Henry Wong)

Tham gia vào sự hiện diện ngày càng mở rộng của SEW tại Trung Quốc là nhà sản xuất ống kính Zeiss của Đức, một công ty hàng đầu thế giới về quang học và quang điện tử.

Theo tờ Suzhou Daily, công ty đa quốc gia này vừa khai trương cơ sở sản xuất mới tại Tô Châu vào ngày 8/7 - đây là cơ sở sản xuất thứ ba tại Trung Quốc sau cơ sở tại Thượng Hải và Quảng Châu.

Bài báo cho biết, điều này đánh dấu "việc Zeiss tiếp tục đào sâu nội địa hóa tại Trung Quốc và nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất tại địa phương".

Tự tin thành công khi đi ngược lại thị trường

Năm ngoái, đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Đức vào Trung Quốc đã tăng 4,3%, lên mức cao kỷ lục 11,9 tỷ Euro (13 tỷ USD) bất chấp lời kêu gọi giảm đầu tư vào nước này của Chính phủ Đức. Thông tin này được Reuters nêu lên hồi tháng 2 đầu năm, trích dẫn một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức (IW) dựa trên dữ liệu chính thức của Bundesbank.

Viện nghiên cứu kinh tế tư nhân cho biết tổng số tiền đầu tư vào Trung Quốc của các công ty Đức trong 3 năm qua tương đương với số tiền họ đã đầu tư trong 6 năm trước đó.

Điều này diễn ra trong bối cảnh sự nhiệt tình của các công ty châu Âu đang giảm dần trong những năm gần đây khi khu vực này đang phải vật lộn để cân bằng giữa việc giảm rủi ro từ Trung Quốc và hợp tác với nước này.

Theo bản tin thống kê FDI thường niên do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố, tỷ lệ đầu tư của EU trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đã giảm từ 7,5% năm 2018 xuống 5,3% năm 2022.

Theo một cuộc khảo sát về niềm tin kinh doanh do Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc (AHK Greater China) công bố vào tháng trước, áp lực giá cả do sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh các công ty địa phương gia tăng là mối quan ngại chung của hầu hết các công ty Đức tại Trung Quốc.

Trả lời vấn đề này, Zhao của SEW cho biết công ty của ông “đã mang công nghệ và sản phẩm tiên tiến nhất đến Trung Quốc” và sẽ tiếp tục giành chiến thắng tại thị trường Trung Quốc bằng điều đó.

Ông cho biết thêm, doanh số bán hàng của công ty cho bên mua thứ ba tại Trung Quốc đã vượt 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) vào năm 2021 và chứng kiến "sự tăng trưởng ổn định" trong những năm kể từ đó.

Theo khảo sát của AHK, phần lớn các công ty hoạt động tại Trung Quốc - khoảng 53% - có kế hoạch tăng đầu tư trong 2 năm tới, mặc dù con số này giảm so với mức 61% khi các công ty được hỏi câu hỏi tương tự vào năm ngoái.

Trong đó có Phoenix Contact China – một công ty hàng đầu thế giới khác trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp có trụ sở chính tại Đức.

Theo phó Chủ tịch Jiang Shimin, công ty dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng một trung tâm hậu cần mới tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, vào nửa đầu năm sau để chủ yếu phục vụ khách hàng địa phương.

Ông cho biết việc mua hàng và sản xuất tại địa phương để phục vụ thị trường địa phương đã trở thành chiến lược quan trọng của công ty. “Chúng tôi đã tăng cường mua hàng từ các nhà cung cấp địa phương và tỷ lệ đó tăng lên mỗi năm”, Chủ tịch Jiang nói thêm.

“Xu hướng tách rời” vẫn diễn ra mạnh mẽ

Theo Benoit Ikhelif, Phó tổng giám đốc hoạt động tại Trung Quốc của công ty hậu cần Đan Mạch DSV tại Nam Kinh, những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc thu hút đầu tư nước ngoài kể từ khi biên giới Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu năm 2023, bao gồm mở rộng tiếp cận thị trường và nới lỏng chính sách thị thực, cũng đã mang lại hiệu quả ở một mức độ nào đó.

Ông cho biết mặc dù 3 năm đại dịch "không hề dễ dàng, chúng tôi vẫn ở đây và vẫn tập trung vào Trung Quốc".

Và một yếu tố đóng góp chính cho điều đó là công ty có "giao tiếp rất tốt với các cơ quan chức năng ở đây. Họ rất linh hoạt và họ đã đến Thụy Điển" sau đại dịch, ông nhấn mạnh.

Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là chủ đề kinh tế quan trọng của Bắc Kinh trong năm qua khi nước này nỗ lực duy trì mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức khoảng 5% trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng yếu.

Nhấn mạnh sự cởi mở với các công ty nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đã cam kết đảm bảo 100% quyền tiếp cận lĩnh vực sản xuất và dỡ bỏ nhiều hạn chế hơn trong lĩnh vực dịch vụ.

Tại cuộc họp ngày 1/7 về cách tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong thừa nhận rằng sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài là thị trường lớn của nước này và ông kêu gọi các quan chức biến điều đó thành "lợi thế hữu hình trong việc thu hút đầu tư".

Theo số liệu của Bộ Thương mại, Trung Quốc đã thu hút được 498,9 tỷ nhân dân tệ vốn FDI trong nửa đầu năm nay, giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, theo số liệu mới công bố, trong cùng kỳ, số lượng công ty nước ngoài đăng ký mới đã tăng 14% so với năm trước.

Chen Fengying, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết bất chấp những căng thẳng thương mại gần đây liên quan đến các sản phẩm năng lượng mới của Trung Quốc, vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa EU và Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà lưu ý rằng xu hướng giảm rủi ro vẫn là xu hướng của các công ty châu Âu, đồng thời, các khoản đầu tư nước ngoài mới đổ vào chủ yếu có quy mô nhỏ và được hỗ trợ bởi người Hoa ở nước ngoài.

Các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đã nêu ra một loạt thách thức đối với hoạt động liên tục của họ tại đây. Những rào cản thường được trích dẫn này bao gồm môi trường pháp lý không chắc chắn, sân chơi không công bằng khi cạnh tranh với các công ty trong nước và tình hình bất ổn địa chính trị giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại phương Tây.

Ngược lại với quan điểm lạc quan của các nhà sản xuất Đức, đã có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các công ty châu Âu trải qua quá trình "tách rời" giữa trụ sở chính và hoạt động tại Trung Quốc trong 2 năm qua, gây ra "sự chậm lại trong các hoạt động hiện tại và giảm khả năng vốn hóa các dự án hoặc kế hoạch đầu tư mới" tại Trung Quốc, theo báo cáo do Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc công bố vào tháng 5.

Và đằng sau xu hướng tách rời, báo cáo cho biết, là số lượng người châu Âu làm việc cho các cơ sở của họ tại Trung Quốc đang giảm. Và yếu tố này được cho là đã góp phần làm mất đi sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Hồng Vân (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-doanh-nghiep-duc-nguoc-dong-mang-hang-hoa-tot-nhat-den-trung-quoc-de-canh-tranh-post304920.html