Đảm bảo hài hòa lợi ích, giải quyết tình trạng công nhân ngừng việc
Những năm trước, tình trạng ngừng việc tập thể phần lớn chỉ xảy ra vào cuối năm, dịp gần Tết Nguyên đán thì năm nay phát sinh một số vụ việc vào những tháng đầu năm 2022. Hai vụ ngừng việc tập thể của người lao động mới xảy ra tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 và Bình Xuyên 2 đều liên quan đến vấn đề tiền lương của công nhân. Nhờ kịp thời nắm bắt, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động nên hàng trăm công nhân đã quay trở lại làm việc trong ngày.
Giá cả leo thang, công nhân mong muốn tăng lương
Trong tháng 3, tại Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina (Khu công nghiệp Bình Xuyên 2) và IM Vina (Khu công nghiệp Bá Thiện 2) xảy ra tình trạng hàng trăm công nhân ngừng việc tập thể để yêu cầu tăng lương.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Công đoàn các khu công nghiệp, Công an tỉnh… đã kịp thời có mặt nắm bắt tình hình, tìm hiểu nguyên nhân cũng như nguyện vọng của người lao động và làm việc với ban lãnh đạo doanh nghiệp để giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa các bên.
Có thể thấy, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng giá khiến đời sống của một bộ phận người dân, trong đó có công nhân gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, người lao động phải tằn tiện chắt chiu, cắt giảm tối đa mua sắm trong hạn mức đồng lương của mình.
Trong khi nhiều mặt hàng tăng giá, đồng lương công nhân thấp, chưa kịp thời được điều chỉnh dẫn đến việc người lao động bức xúc, đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp tăng lương cơ bản. Nhất là trong bối cảnh một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp Bá Thiện 2, Bình Xuyên 2 có động thái rục rịch tăng lương.
Lý do khiến một số doanh nghiệp quyết định tăng lương nhằm thu hút, tuyển dụng công nhân trong bối cảnh nhiều công ty đang thiếu hụt cục bộ nguồn lao động. Hay nói cách khác, đây là việc cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp, bởi tình trạng thiếu hụt nguồn lao động thường xảy ra dịp sau Tết Nguyên đán.
Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến số lượng công nhân nhiễm bệnh phải cách ly, điều trị lớn nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết với đối tác.
Theo đánh giá của các cơ quan, đơn vị chức năng, việc một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Bá Thiện 2, Bình Xuyên 2 tăng lương cơ bản từ 4.200.000 đồng/tháng lên 4.600.000 đồng/tháng, cao hơn so với mặt bằng chung là nguyên nhân gián tiếp gây nên tình trạng ngừng việc tập thể vừa qua. Các công nhân ngừng việc tập thể đều ở các doanh nghiệp chưa thực hiện điều chỉnh tăng lương, trong đó có Công ty Young Poong Electronics Vina và IM Vina.
Thực tế, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động. Để thu hút công nhân, một số doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương, cao hơn khoảng 400 nghìn đồng/tháng so với mức sàn cơ bản. Nếu vấn đề này không được giải quyết kịp thời, triệt để sẽ gây nên tình trạng hiệu ứng dây chuyền, có nguy cơ lan rộng ra các khu công nghiệp khác.
Cần sự chủ động và đồng bộ
Phải khẳng định, việc một số doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tăng lương để thu hút, tuyển dụng lao động là không vi phạm quy định pháp luật. Thực tế, đời sống công nhân hiện nay còn nhiều khó khăn do đồng lương thấp nên chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý còn khuyến khích doanh nghiệp tăng lương, vừa để đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động vừa để giữ chân công nhân.
Tuy nhiên, việc thực hiện điều chỉnh tăng lương cần phải có kế hoạch, sự đồng bộ, thống nhất trong khu vực để đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho các doanh nghiệp, tránh gây ra những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên.
Trong tháng 4/2022, các công ty Young poong Vina, IM Vina đã có kế hoạch điều chỉnh tăng lương cho người lao động. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp hướng tháo gỡ mâu thuẫn, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động.
Sau buổi làm việc, các doanh nghiệp đã cam kết chi trả khoản phụ cấp 450.000 đồng/tháng cho người lao động, đồng thời, sẽ tiến hành điều chỉnh tăng lương vào tháng 4/2022. Việc được doanh nghiệp đáp ứng nguyện vọng kịp thời, nâng cao thu nhập khiến các công nhân rất phấn khởi, sớm quay trở lại công ty làm việc ngay trong ngày.
Để hạn chế tối đa tình trạng ngừng việc tập thể trong các khu công nghiệp, thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc. Chủ động trao đổi một số nội dung quan trọng, trong đó có việc cân nhắc, điều chỉnh tăng lương của các doanh nghiệp trên cơ sở thực hiện theo lộ trình, kế hoạch cụ thể. Qua đó, vừa giúp các doanh nghiệp làm tốt công tác thu hút, tuyển dụng lao động vừa đảm bảo an ninh trật tự, nhất là trong khối nhóm điện tử thân cận.
Ban Quản lý yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin để có tiếng nói chung trong thực hiện chi trả lương cho người lao động. Trong trường hợp có chủ trương tăng lương cần thông báo cho Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc biết để có kế hoạch dự kiến tăng lương chung, tạo mặt bằng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có hướng giải tỏa, kịp thời xử lý, ngăn chặn những mâu thuẫn xung đột nảy sinh, nhất là đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn; tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật để người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy chế làm việc.
Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quan hệ lao động hài hòa giữa chủ sử dụng lao động và người lao động; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các sở, ngành chức năng để được hỗ trợ tuyển dụng lao động thông qua các trung tâm, trường đào tạo nghề ở trong và ngoài tỉnh…