Đảm bảo hài hòa lợi ích khi tính giá nước sạch
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá 2023, đã sửa đổi Điều 51 của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 liên quan đến giá nước sạch. Theo đó, giá nước sạch phải bảo đảm để các đơn vị cấp nước duy trì, phát triển, khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần tiết kiệm sử dụng nước có xét đến hỗ trợ người nghèo.
Giá nước sạch được thực hiện theo quy định của Luật Giá, các văn bản hướng dẫn Luật Giá và quy định tại dự thảo nghị định này. Giá nước sạch phải bảo đảm để các đơn vị cấp nước duy trì, phát triển, khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần tiết kiệm sử dụng nước có xét đến hỗ trợ người nghèo.
Ngoài ra, giá nước sạch được xác định phù hợp với đặc điểm nguồn nước, điều kiện sản xuất nước của từng vùng, từng địa phương, từng khu vực. Giá nước sạch được xác định không phân biệt đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài.
Thực hiện cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng có mục đích sử dụng nước khác nhau, giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc bù chéo giữa giá nước sinh hoạt và giá nước cho các mục đích sử dụng khác, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các đơn vị cấp nước.
Chính quyền địa phương các cấp, tổ chức, cá nhân hoạt động cấp nước phải xây dựng chương trình chống thất thoát thất thu nước, có cơ chế khoán, thưởng, đồng thời quy định hạn mức thất thoát thất thu tối đa được phép đưa vào giá thành nhằm khuyến khích các đơn vị cấp nước hoạt động có hiệu quả.
Trường hợp giá nước sạch được quyết định thấp hơn phương án giá nước sạch đã được tính đúng, tính đủ theo quy định thì hàng năm ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải xem xét, cấp bù từ ngân sách địa phương để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phương pháp xác định giá nước sạch./.