Đảm bảo hoàn thành Metro Nhổn-ga Hà Nội vào năm 2027
Hà Nội đã ứng 700 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để chi trả nguồn vốn ODA; gấp rút bố trí ca, kíp các mũi thi công, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ vào năm 2027.
Ngày 7/12, các dự án "giao thông đô thị" đã làm nóng phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI. Các đại biểu HĐND TP Hà Nội tập trung nêu câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tổng thể các dự án giao thông cũng như “truy vấn” về tiến độ triển khai một số dự án quan trọng trên địa bàn, trong đó có dự án Metro Nhổn-ga Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Luyến (huyện Đan Phượng) về dự án đường sắt đô thị (Metro) đoạn Nhổn-ga Hà Nội chậm tiến độ nhiều năm qua, ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tại Kỳ họp HĐND TP năm 2022, UBND TP đã chỉ ra 4 nguyên nhân chủ quan, 5 nguyên nhân khách quan dẫn đến dự án triển khai chậm. Trên cơ sở đó UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án vào đầu tháng 10/2022. Theo đó, điều chỉnh tiến độ toàn bộ dự án kéo dài đến năm 2027, đồng thời cũng chỉ đạo nghiêm túc nội dung này với áp lực rất lớn.
Tồn tại về giải phóng mặt bằng của dự án đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, cơ bản giải quyết toàn bộ vào cuối tháng 10/2022. Trên cơ sở đó, nhà thầu đã quay trở lại thi công sau hơn 1 năm tạm dừng, tiếp tục triển khai các phần việc còn lại ở đoạn ngầm dài 4km vào đầu tháng 2/2023.
Với các nhà ga đoạn trên cao, Ban Quản lý dự án đã lập kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2023; đến tháng 12/2022 đã cơ bản hoàn thành xây lắp thiết bị (đạt khoảng 99,6%).
Theo ông Nguyễn Cao Minh, với 3 công việc còn lại để đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao mới gồm: Đào tạo nhân lực vận hành, bảo trì, xây dựng hệ thống tài liệu của tư vấn; tiến hành vận hành thử cho 57 kịch bản với đầy đủ phương án thương mại, giai đoạn bình thường xử lý sự cố và khẩn cấp; thủ tục nghiệm thu dự án đường sắt đô thị mới theo quy định của pháp luật, cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là chứng nhận về an toàn hệ thống.
Các nội dung này bị ảnh hưởng bởi thủ tục điều chỉnh dự án ODA. Cụ thể, đến ngày 20/5/2023, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt dự án, khiến gặp vướng mắc về vấn đề vốn. Vì vậy, Ban quản lý đã tư vấn tạm dừng từ tháng 5 đến tháng 10/2023.
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng cùng các chỉ đạo kịp thời của UBND TP, việc thành phố ứng khoảng 700 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả, đơn vị tư vấn đã quay trở lại vào đầu tháng 11/2023 và lập lại kế hoạch thực hiện đoạn trên cao của dự án.
Theo ông Nguyễn Cao Minh, dự kiến trong Quý II/2024, có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống để đưa tuyến vào khai thác thương mại.
“Đối với đoạn ngầm, nhà thầu đang nỗ lực xây dựng lại toàn bộ kế hoạch thi công 3 ca, 4 kíp, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ vào năm 2027”, ông Nguyễn Cao Minh cho biết.