Đảm bảo nguồn nước sạch ở nông thôn
Qua kiểm tra của cơ quan chức năng trong tỉnh thời gian qua, do gặp nhiều khó khăn nên nhiều đơn vị cấp nước ở khu vực nông thôn trên địa bàn Đồng Nai chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn do Bộ Y tế đưa ra.
Cụ thể, trong năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã kiểm tra 42 cơ sở cấp nước tại 9 huyện và TP.Long Khánh. Qua đó, phát hiện 38 cơ sở chưa thực hiện việc lập và quản lý hồ sơ theo dõi, quản lý chất lượng nước, chưa thực hiện kiểm tra chất lượng nước định kỳ, chưa thực hiện công khai thông tin và báo cáo chất lượng nước cung cấp kết quả xét nghiệm cho khách hàng dùng nước khi có yêu cầu...
* Chất lượng nước ở nhiều nơi chưa đảm bảo
Hiện 100% các đơn vị cấp nước đang sử dụng nguồn nước ngầm làm nguyên liệu đầu vào. Trong 42 cơ sở được kiểm tra, có 26 cơ sở cấp nước có hệ thống xử lý và 16 cơ sở cấp nước trực tiếp từ giếng khoan thông qua bể chứa, không có hệ thống xử lý. Hầu hết các công trình xử lý nước đã xuống cấp, hoạt động không ổn định, đặc biệt là hệ thống châm khử trùng, nâng pH, khử sắt và mangan. Đa số hệ thống cấp nước do các HTX hoặc tư nhân quản lý, hoạt động thiếu hiệu quả do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, không có nhân lực đáp ứng chuyên môn về quản lý, vận hành trạm cấp nước.
Đáng chú ý, trong số 42 mẫu được kiểm tra chỉ có 12 mẫu đạt tiêu chuẩn QCVN 02/2009/BYT, còn 30 mẫu không đạt. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy có 14 mẫu nhiễm vi sinh vật và 27 mẫu không đạt tiêu chuẩn về hóa lý.
Ông Lương Trường Vĩnh, Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường, y tế trường học, bệnh nghề nghiệp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến quá trình sử dụng và bảo quản các dụng cụ bơm nước, bể chứa, hệ thống ống dẫn lâu ngày chưa được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, khử trùng định kỳ. Bên cạnh đó, khâu lắp đặt hệ thống xử lý với công nghệ chưa được phù hợp hoặc do thổ nhưỡng của từng vùng.
“Ngày 14-2-2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1/2018/BYT) và quy định kiểm tra giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt có hiệu lực từ ngày 15-6-2019 thay thế cho QCVN 01/2009/BYT đối với nước ăn uống và QCVN 02/2009/BYT đối với nước sinh hoạt. Tuy nhiên, đa số các đơn vị cấp nước hiện mới chỉ đạt QCVN 02/2009/BYT (gồm 14 tiêu chỉ). Để đạt được 99 chỉ tiêu của QCVN 01-1/2018/BYT còn rất nhiều khó khăn” - ông Vĩnh nói.
* Cần nguồn kinh phí lớn
Để đạt được các quy chuẩn mới của Bộ Y tế đối với vấn đề nước sạch ở nông thôn cần có sự đầu tư kinh phí lớn.
Sau khi kết thúc dự án Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-202, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh bố trí kinh phí xét nghiệm nước định kỳ theo hướng dẫn của Thông tư số 41/2018/TT-BYT. Với các cơ sở cấp nước, phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước, đặc biệt là hệ thống khử trùng, đảm bảo hàm lượng Clo dư theo quy định. Thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra chất lượng nước định kỳ và lập hồ sơ quản lý chất lượng nước và định kỳ báo cáo theo quy định. Trung tâm y tế các huyện, TP.Long Khánh cần tăng cường giám sát chất lượng nước theo thẩm quyền quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh môi trường, kiến thức về sử dụng và bảo quản nguồn nước đến từng hộ dân, người dân.
UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì tham mưu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của tỉnh Đồng Nai.
Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2021 (từ ngày 29-4 đến 6-5) có chủ đề: Đảm bảo an ninh nguồn nước trong cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vì sức khỏe cộng đồng. Mục đích nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia và cam kết của gia đình, cộng đồng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cấp nước sạch nông thôn, ý thức sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh hộ gia đình để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.