Phân định 'ranh giới' dùng chi thường xuyên hay chi đầu tư công trong mua sắm tài sản, trang thiết bị

Nghị định số 138/2024/NĐ-CP góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhiều điểm nghẽn trong sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) để mua sắm tài sản, trang thiết bị, tránh tình trạng 'làm nghẽn' nhiều hoạt động ở nhiều cơ quan nhà nước.

Nhu cầu mua sắm tài sản, trang thiết bị mỗi ngành, lĩnh vực rất đa dạng, khác nhau.

Nhu cầu mua sắm tài sản, trang thiết bị mỗi ngành, lĩnh vực rất đa dạng, khác nhau.

Không vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên được giao trong năm ngân sách

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Nghị định quy định, việc bố trí kinh phí chi thường xuyên NSNN để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị được thực hiện theo nguyên tắc không trùng lắp với các nhiệm vụ có cùng nội dung của đơn vị đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Theo đó, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc bố trí kinh phí chi thường xuyên NSNN này nhằm đảm bảo phân định ranh giới giữa việc bố trí chi thường xuyên và chi đầu tư công trong thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị, phù hợp với tính chất của nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về NSNN và pháp luật có liên quan.

Về lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán, Nghị định nêu rõ, đối với nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật của ngành, lĩnh vực có liên quan, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kế hoạch được phê duyệt để lập dự toán trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Việc phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ không được vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên được giao của cơ quan, đơn vị trong năm ngân sách.

Đáng chú ý, nhằm thực hiện phân cấp tối đa cho các địa phương, bộ, ngành gắn với trách nhiệm và chế tài cụ thể, triệt để cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, cùng với đó là trên cơ sở tham khảo hạn mức quy định phân định các dự án đầu tư công nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công và đảm bảo phù hợp quy mô của chi thường xuyên, Nghị định số 138/2024/NĐ-CP đã quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị.

Xử lý những “điểm nghẽn” phát sinh từ thực tiễn

Theo đó, trong mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động các các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí đối với việc mua sắm tài sản có tổng dự toán thực hiện dưới 45 tỷ đồng/nhiệm vụ; Bộ trưởng, thủ trrưởng cơ quan trung ương sẽ quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí đối với việc mua sắm tài sản có tổng dự toán thực hiện từ 45 tỷ đồng đến dưới 120 tỷ đồng/nhiệm vụ.

Với việc mua sắm tài sản có tổng dự toán thực hiện từ 120 tỷ đồng/nhiệm vụ trở lên, trường hợp không thể sắp xếp, bố trí hoặc điều chỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao, các bộ, cơ quan trung ương sẽ chịu trách nhiệm đề xuất nhiêm vụ này sử dụng kinh phí chi thường xuyên; đồng thời lấy ý kiến các bộ quản lý, ngành lĩnh vực liên quan về sự cần thiết, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và nguyên tắc bố trí dự toán như đã nêu ở trên.

Trong mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động các các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Lý giải rõ hơn về đề xuất quy định thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị, tại tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Chính phủ hồi tháng 8/2024 đã chỉ rõ, tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 đều quy định được sử dụng chi thường xuyên NSNN và chi đầu tư công từ NSNN để thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị nhưng chưa quy định cụ thể ranh giới việc sử dụng hai nguồn này. Do đó, tại Nghị định, cần thiết phải quy định về tiêu chí phân định giữa nhiệm vụ sử dụng kinh phí chi thường xuyên NSNN với dự án sử dụng vốn đầu tư công theo tiêu chí định tính (nhiệm vụ cần thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của đơn vị) và tiêu chí định lượng (giới hạn trần về tổng mức kinh phí thực hiện nhiệm vụ).

Trên thực tế, nhu cầu mua sắm tài sản, trang thiết bị mỗi ngành, lĩnh vực rất đa dạng, khác nhau. Vì vậy, nỗ lực đề xuất của Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định này đã góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong vấn đề mua sắm tài sản, trang thiết bị sử dụng nguồn kinh phí nào? Cũng như thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ để tránh được tình trạng đùn đẩy, không rõ trách nhiệm của từng cấp.

Như vậy, có thể thấy rằng, Nghị định số 138/2024/NĐ-CP vừa ban hành đã góp phần tháo gỡ căn bản những vướng mắc hiện nay tại các địa phương. Luật NSNN cho phép dùng nguồn chi thường xuyên để mua sắm trang thiết bị phục vụ bộ máy nhưng Luật Đầu tư công lại quy định các khoản chi xây mới, sửa chữa… phải dùng nguồn chi đầu tư công. Điều này dẫn đến tình trạng có nhiều việc đột xuất, phát sinh, cấp bách thì không thể dùng nguồn chi thường xuyên, trong khi cũng không thể chờ đợi để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, làm ảnh hưởng đến hoạt động ở nhiều cơ quan nhà nước.

Vướng mắc kéo dài nhiều năm của các đơn vị, địa phương trong sử dụng kinh phí chi thường xuyên hay chi đầu tư để mua sắm tài sản, trang thiết bị đã được giải quyết. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của Bộ Tài chính trong xử lý những “điểm nghẽn” phát sinh từ thực tiễn, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về lập, tổng hợp dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị, Nghị định quy định rõ, hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán NSNN, căn cứ hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN của cấp có thẩm quyền và quyết định phê duyệt nhiệm vụ, dự toán kinh phí mua sắm tài sản, trang thiết bị của cấp có thẩm quyền theo quy định, cơ quan, đơn vị đề xuất dự toán của năm kế hoạch, tổng hợp vào dự toán cơ quan, gửi cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp chung vào dự toán đơn vị dự toán cấp I gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật về NSNN.

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dam-bao-phan-dinh-ranh-gioi-dung-chi-thuong-xuyen-hay-chi-dau-tu-cong-trong-mua-sam-tai-san-trang-thiet-bi.html