Đảm bảo quan hệ lao động ổn định

Hàng năm, cứ đến thời điểm tăng lương, tình trạng tranh chấp lao động lại xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do mức điều chỉnh lương của doanh nghiệp (DN) có nơi thấp hơn lương tối thiểu vùng quy định. Mặt khác, có những DN không quan tâm đối thoại với người lao động (NLĐ) nên khi thay đổi các chế độ, rất dễ xảy ra xung đột và ngừng việc tập thể.

Doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại với người lao động để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Cự Thành trong giờ sản xuất. Ảnh: L.Mai

Doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại với người lao động để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Cự Thành trong giờ sản xuất. Ảnh: L.Mai

Để ổn định tình hình, các cấp Công đoàn Đồng Nai đang tăng cường bám sát cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền ổn định tư tưởng của NLĐ.

Còn xảy ra ngừng việc tập thể

Ngày 18-7 vừa qua, 400 công nhân Công ty TNHH Yupoong Việt Nam (Khu công nghiệp Loteco) đã ngừng việc tập thể sau khi công ty thông báo điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng thêm 140 ngàn đồng/người/tháng. Trong khi đó, NLĐ yêu cầu tăng 280 ngàn đồng/người/tháng theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng. Sự việc kéo dài đến 3 ngày, buộc DN phải dừng sản xuất để thương lượng, đàm phán với NLĐ và phân tích tình hình sản xuất hiện tại.

Đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã liên tục làm việc với lãnh đạo công ty; đồng thời, mời đại diện NLĐ đối thoại, thương lượng. Phía DN trình bày không có đơn hàng nên không thể điều chỉnh thêm mức lương tối thiểu cho NLĐ mà vẫn giữ nguyên mức tăng 140 ngàn đồng. Đây là nỗ lực của DN trong thời điểm còn khó khăn về đơn hàng, nhưng vẫn duy trì việc làm cho trên 1,7 ngàn lao động. Qua các buổi đối thoại, NLĐ đã trở lại làm việc ổn định và chấp nhận mức điều chỉnh lương.

Sở Lao động, thương binh và xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành theo dõi sát tình hình quan hệ lao động tại DN; tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đối với các DN gặp khó khăn trong sản xuất và việc thực hiện các chế độ, chính sách. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện phương án sử dụng lao động và điều chỉnh lương tối thiểu vùng của các DN.

Những vụ ngừng việc tập thể như trên không phải trường hợp đầu tiên trong năm nay. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xảy ra 5 vụ ngừng việc tập thể tại 5 DN với 3.225/4.866 NLĐ tham gia. Các vụ ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa. Nguyên nhân liên quan đến mức thưởng Tết, thay đổi thời giờ làm việc, thời gian nâng lương, điều chỉnh lương…

Các cấp Công đoàn cùng đoàn công tác của địa phương kịp thời đến làm việc với ban giám đốc các công ty để giải quyết kiến nghị của NLĐ trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên; đồng thời, vận động NLĐ trở lại làm việc. Qua đó, NLĐ đã đồng thuận với thông báo mới và trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, các vụ ngừng việc tập thể đã ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN, an ninh trật tự địa phương và đời sống, việc làm của NLĐ.

Để ổn định quan hệ lao động trong thời điểm DN điều chỉnh lương, trong tháng 7-2024, Sở Lao động, thương binh và xã hội đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn việc điều chỉnh lương theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ cho các chủ DN trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, sở giải đáp thắc mắc của DN liên quan đến việc áp dụng điều chỉnh lương theo từng vùng. Bên cạnh đó, đề nghị các cán bộ Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền Bộ luật Lao động, các chế độ, chính sách để NLĐ và chủ DN hiểu, nắm bắt thông tin và thực hiện đúng pháp luật lao động. Từ đó, giảm thiểu những mâu thuẫn phát sinh, bất hòa giữa chủ DN và NLĐ.

Tăng cường đối thoại

Tại Hội nghị Giao ban Công đoàn cơ sở khối DN các ngành nghề diễn ra tháng 6 vừa qua, các cán bộ Công đoàn cho hay, năm 2024, biến động trên thế giới vẫn ảnh hưởng chung đến nhiều DN khi không có đơn hàng hoặc sản xuất cầm chừng để giữ việc cho công nhân, nhất là ngành sản xuất gỗ. Do đó, việc tăng lương từ đầu tháng 7 khiến các DN phải tính toán, cân đối tài chính để có mức tăng hợp lý, đảm bảo mức sống cho NLĐ.

Doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại với người lao động để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa trong giờ sản xuất. Ảnh: Nguyễn Hòa

Doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại với người lao động để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa trong giờ sản xuất. Ảnh: Nguyễn Hòa

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý nhấn mạnh, việc giữ gìn mối quan hệ lao động ổn định rất quan trọng, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với NLĐ, cần kịp thời phát hiện những vướng mắc về lương, thưởng để đề xuất với DN, ngành chức năng giải quyết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ DN chăm lo đời sống NLĐ, hạn chế thấp nhất các vụ ngừng việc tập thể xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Như Ý đề nghị các cấp Công đoàn bám sát cơ sở, phối hợp chủ DN dành thời gian gặp gỡ, đối thoại với NLĐ để nêu những khó khăn trong sản xuất và giải thích các kiến nghị cho NLĐ. Từ đó, giúp NLĐ thấu hiểu, chia sẻ với DN.

“Công đoàn cơ sở cần tiếp tục sát cánh cùng DN vượt qua khó khăn, đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ. Cùng với đó, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ để công nhân yên tâm lao động sản xuất” - bà Như Ý nói.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch Dương Quốc Bình cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Liên đoàn Lao động huyện chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp với DN quan tâm đến phúc lợi và thực hiện đúng các chính sách như đã cam kết với NLĐ tại thỏa ước lao động tập thể. Nếu làm tốt vấn đề này, chắc chắn DN sẽ có đội ngũ lao động gắn bó, cùng DN phát triển sản xuất bền vững.

Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội, những tháng qua, các DN đã chủ động báo cáo thường xuyên với ngành chức năng của tỉnh về đơn hàng và tình hình lao động, việc làm. Sở lưu ý các DN cần tăng cường đối thoại với NLĐ. Việc đối thoại ngoài lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, DN nên thông báo tình hình sản xuất hiện tại để công nhân nắm, thấu hiểu. Nếu DN làm tốt điều này sẽ hạn chế xung đột trong quan hệ lao động, nhất là đình công, ngừng việc tập thể. Khi đôi bên cùng thông hiểu thì quan hệ lao động sẽ hài hòa, gắn kết và NLĐ cảm thấy được tôn trọng để yên tâm làm việc.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202408/dam-bao-quan-he-lao-dong-on-dinh-40501c1/