Đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc giải quyết đơn thư
Công tác dân nguyện là một trong 7 nội dung về quyền, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hiến pháp quy định. Nội hàm của công tác dân nguyện rất rộng, bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, để xác định được lĩnh vực nào là trọng tâm, trọng điểm trong mỗi giai đoạn là vấn đề mà mỗi cán bộ làm công tác mặt trận luôn xác định rõ để đem đến lợi ích thiết thực nhất cho người dân.
Trong tiến trình phát triển, việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân là nhân tố phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và giúp Nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật. Trong những năm qua, tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc, tổng thu ngân sách tỉnh lần đầu tiên đạt trên 5.000 tỉ, nhiều công trình, dự án động lực của tỉnh được triển khai và đi vào hoạt động. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân liên quan đến vấn đề đất đai, chế độ chính sách, bồi thường giải phóng mặt bằng, phản ánh công trình gây ô nhiễm môi trường… cũng phức tạp, có nhiều vụ việc vượt cấp, kéo dài.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 5 năm, từ 2016 - 2021, toàn tỉnh tiếp nhận 12.478 đơn (12.466 đơn hành chính, 12 đơn tư pháp). Trong đó, có 719 đơn khiếu nại, 328 đơn tố cáo; 11.419 đơn kiến nghị, phản ánh, chiếm 91,6% tổng số đơn tiếp nhận. Tuy nhiên, số đơn khiếu nại đúng, đúng 1 phần đủ điều kiện xử lý, chiếm tỉ lệ chưa đến 46,1%; số đơn tố cáo đúng, đúng 1 phần đủ điều kiện xử lý, chiếm tỉ lệ 62,2%.
Tại cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chuyển đến chiếm tỉ lệ nhỏ so với các cơ quan hành chính Nhà nước, 5 năm, tiếp nhận 81 đơn tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, trong đó, đơn kiến nghị, phản ánh chiếm 80,25%. Với vai trò là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận, phân loại và chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét giải quyết cho công dân. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh thường xuyên tham gia các cuộc họp, đối thoại giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Sau giám sát đã kiến nghị 5 ý kiến đến bộ, ngành trung ương và 2 ý kiến đến chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan tham gia công tác giám sát như: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; giám sát việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo tại một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện; phối hợp với Thường trực HĐND, các ban HĐND tham gia giám sát tình hình thực hiện chính sách của địa phương trên các lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách, văn hóa - xã hội.
Phối hợp với UBND tỉnh tham gia với đoàn công tác liên ngành Trung ương khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng”; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại nhà tạm giữ Công an huyện Triệu Phong; UBMT cấp huyện, cấp xã tổ chức 162 cuộc giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản; 85 cuộc giám sát bằng hình thức thành lập đoàn giám sát tại 107 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã kiến nghị 152 ý kiến và được tiếp thu 133 ý kiến. MTTQ cấp huyện, cấp xã phối hợp với thường trực HĐND, các ban HĐND cùng cấp giám sát 140 đợt về nội dung thực hiện chính sách tại địa phương; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp giám sát 62 đợt về thực hiện các chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân và 10 đợt kiểm tra công tác tạm giam, tạm giữ với viện kiểm sát nhân dân cùng cấp như: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cam Lộ phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện giám sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại nhà tạm giữ Công an huyện Cam Lộ. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh giám sát công tác tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn cứu trợ người dân bị thiệt hại do lũ lụt cuối năm 2020 tại xã Vĩnh Sơn.
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đakrông phối hợp tham gia đoàn giám sát của Ban Pháp chế, HĐND huyện về việc xây dựng và triển khai quy chế làm việc của UBND cấp xã; đoàn giám sát Liên đoàn Lao động huyện về việc thực hiện Quy chế dân chủ, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đơn vị trường học, UBND xã; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hải Lăng tham gia giám sát việc thi hành án hình sự tại UBND xã Hải Phú; giám sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Hạt Kiểm lâm huyện; tham gia giám sát việc chi trả kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai năm 2020 tại 14/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đông Hà đã đồng chủ trì, phối hợp cùng Tổ kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 68-NQ/CP tiến hành giám sát tại UBND các phường trên địa bàn thành phố; thực hiện giám sát bằng văn bản đối với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố….
Tuy nhiên, qua quá trình giám sát và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, dư luận của Nhân dân liên quan đến công tác tiếp công dân, việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập, hạn chế; việc áp dụng pháp luật để giải quyết đơn thư của cán bộ tham mưu chưa đảm bảo quy trình, quy định; ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở chưa hiệu quả; công tác bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu…
Xác định khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân như một phần tất yếu của xã hội, mỗi cán bộ, công chức luôn đặt mình trong tư thế của một người dân cần được bảo về quyền lợi ích hợp pháp thì mới giải quyết được nhanh chóng, hiệu quả và dứt điểm.