Đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 927 nghìn người tham gia BHYT, đạt gần 94% dân số. Ðể đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT hiện đại, chú trọng công tác giám định BHYT... Từ đó giúp công tác thanh toán BHYT nhanh gọn, chính xác, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và người nhà.

Sử dụng CCCD gắn chíp trong đăng ký KCB tại Trung tâm Y tế huyện Yên Mô.

Sử dụng CCCD gắn chíp trong đăng ký KCB tại Trung tâm Y tế huyện Yên Mô.

Tại Trung tâm Y tế huyện Yên Mô, mỗi ngày có hàng trăm lượt người dân đến khám, chữa bệnh (KCB), trong đó trên 90% người bệnh sử dụng thẻ BHYT. Bác sĩ Tô Ngọc Đĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Mô cho biết: Thực hiện KCB BHYT cho người bệnh, Trung tâm Y tế huyện đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, sử dụng linh hoạt các thủ tục đăng ký KCB, từ thẻ BHYT giấy, ứng dụng VissID-BHXH số đến CCCD gắn chíp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đi KCB.

Ông Hoàng Minh Thông, xã Yên Thành (huyện Yên Mô) cho biết: Ông bị thoái hóa thoát vị đĩa đệm mấy năm nay, thường xuyên phải đi viện, có tháng 2 lần, mỗi lần nằm viện 1 tuần đến chục ngày. Nếu không có thẻ BHYT thì rất khó khăn cho bản thân và gia đình bởi mắc bệnh đã không làm được việc nặng, trong khi chi phí nằm viện điều trị nội trú nếu không được BHYT thanh toán, chắc khó có thể điều trị bệnh lâu dài. Hiện mỗi tháng đi khám và điều trị bệnh, sau khi thanh toán BHYT, ông Thông chỉ phải chi trả số tiền chưa đến vài trăm nghìn đồng.

Mỗi ngày, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hơn 1 nghìn lượt người dân đến KCB, khoảng 1 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có trên 95% bệnh nhân có thẻ BHYT. Để nâng cao chất lượng KCB BHYT, Bệnh viện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực; ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý, kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT với cơ quan BHXH. Năm 2022, Bệnh viện đã khám, điều trị cho hơn 370 nghìn lượt bệnh nhân có thẻ BHYT, với tổng chi phí KCB BHYT gần 471 tỷ đồng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh viện đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống phần mềm Quản lý bệnh viện, giúp quy trình KCB cho nhân dân được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, đồng bộ... Hiện tại, Bệnh viện đã đầu tư gần 400 máy tính có kết nối internet và được cài đặt phần mềm quản lý bệnh viện. Triển khai cải cách TTHC thông qua CNTT, lấy số tự động, gọi số tự động tại các phòng khám, triển khai thẻ KCB thông minh, chữ ký điện tử; thực hiện KCB bằng bệnh án điện tử... hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh, không giấy tờ.

BHYT đã chi trả đối với nhiều trường hợp bệnh nan y giúp bệnh nhân vơi bớt khó khăn.

Ông Đinh Nho Khánh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Năm 2022, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng KCB BHYT với 188 cơ sở KCB (trong đó có 11 phòng khám đa khoa khu vực và 130 trạm y tế xã ký hợp đồng thông qua Bệnh viện đa khoa hoặc Trung tâm y tế huyện). Triển khai và vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT, giám sát BHXH, thực hiện kết nối liên thông dữ liệu chi phí KCB BHYT với 100% cơ sở KCB BHYT. Qua đó hỗ trợ, phát hiện được những bất thường về mức độ chỉ định dịch vụ kỹ thuật của các cơ sở và tần suất KCB của người có thẻ BHYT.

Ngành BHXH tỉnh đã đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT hiện đại, đảm bảo mọi dữ liệu của bệnh nhân khi đi KCB được kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan BHXH nhanh gọn. Toàn bộ dữ liệu của bệnh nhân đi KCB tại các cơ sở KCB đã được kết nối với cơ quan BHXH ngay khi bệnh nhân ra, vào viện, tránh trùng lặp, kiểm tra được bệnh nhân đi KCB nhiều nơi trong cùng thời gian, cùng bệnh. Từ đó giúp công tác thanh toán BHYT nhanh gọn chính xác, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

Công tác giám định BHYT được thực hiện theo đúng quy định, kết hợp giữa giám định chủ động với giám định điện tử. Trên cơ sở dữ liệu đề nghị của các cơ sở KCB trên Hệ thống giám định BHYT, BHXH tỉnh đã tổ chức thực hiện giám định có hiệu quả các chuyên đề của BHXH Việt Nam, đồng thời chủ động phân tích dữ liệu để xây dựng các chuyên đề giám định theo tháng, quý, kiên quyết từ chối thanh toán chi phí không đúng quy định.

Tính đến hết tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh có 1.595.352 lượt người KCB BHYT (tăng 5,3% so với năm 2021), với tổng chi bảo hiểm thanh toán là 1.004,64 tỷ đồng (giảm 3,4% so với năm 2021) thực hiện 91,1% dự toán Chính phủ giao năm 2022 tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 13/5/2022. Trong đó có nhiều trường hợp người bệnh được chi trả số tiền KCB lên tới hàng trăm triệu đồng, với các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính, như: Bệnh rối loạn đông máu di truyền, ung thư, tim mạch, suy thận... và nhiều tai nạn nặng khác.

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... Tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Năm 2023, tỉnh Ninh Bình phấn đấu số người tham gia BHYT đạt trên 95% dân số.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-quyen-loi-kham-chua-benh-cho-nguoi-tham-gia-bhyt/d20230130160135191.htm