Đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi đất
Một trong những nội dung được góp ý và quan tâm nhất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở, có điều kiện sống tốt, bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…
Cần công khai lấy ý kiến, làm rõ nguyên tắc đồng thuận khi thu hồi đất
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, trong Điều 108 về hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất. Tại điều này của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã theo hướng là bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của người có đất và bị thu hồi đất, quy định rõ việc lập, rồi phê duyệt phương án đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm và trách nhiệm tổ chức thực hiện.
“Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cần phải có những quy định về mặt chế tài để đảm bảo thực hiện kịp thời, hiệu quả phương án đào tạo nghề chuyển đổi việc làm cho người nông dân, đặc biệt là những người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp để tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Vì vậy cần nghiên cứu để bổ sung quy định mang tính bắt buộc. Tức là bắt buộc phải hoàn thành việc đào tạo nghề chuyển đổi việc làm cho người dân trước khi thu hồi đất, tránh trường hợp thu hồi xong rồi mà người dân không có việc làm thì mới đi đào tạo”, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tại Chương VII dự thảo luật đã điều chỉnh cụ thể hơn về các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, những nội dung này cũng đã thể hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương sửa đổi quy định đất đai theo hướng có lợi nhất cho người sử dụng đất, luật hóa rõ ràng nghĩa vụ của cơ quan chính quyền là phải tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc thậm chí tốt hơn nơi ở cũ.
“Tôi đề nghị bổ sung thêm quy định đối với trường hợp thu hồi đất, xây dựng hạ tầng cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung người lao động. Cần thể hiện rõ điều kiện bao gồm xây dựng cả về vật chất và tinh thần, chứ không chỉ quy định xây nhà vì hiện nay đời sống tinh thần của người lao động ở các khu vực nói trên hầu hết rất là hạn chế”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho biết.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, cần có quy định và tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất tham gia ngay từ giai đoạn ban đầu trong quá trình xây dựng phương án bồi thường. Trong trường hợp tỷ lệ người dân không đồng tình cao thì bên thu hồi phải giải trình, thay đổi phương án như thế nào. Dự thảo luật cũng cần có quy định cụ thể để bảo đảm tính dự liệu của pháp luật khi triển khai thực hiện trong thực tiễn mà có vấn đề phát sinh.
Ở Điều 82 dự thảo luật có quy định là sử dụng cách thức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã hay là địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề xuất bổ sung thêm một số hình thức khác như có thể là tiếp nhận đơn thư ý kiến gửi tại trụ sở Ủy ban nhân dân và qua bưu điện hoặc góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử. Như vậy, sẽ giúp cho việc mở rộng quyền góp ý của người sử dụng đất.
“Để đảm bảo chính sách hội họp lấy ý kiến của người dân về các phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cần nói rõ cụ thể hơn về nguyên tắc là đồng thuận tương đối. Tôi đề nghị cần phải quy định nguyên tắc đồng thuận tương đối vào trong dự thảo luật như thế nào, chỉ cần 80% hoặc 90% chấp thuận phương án thì chúng ta có thể tiến hành thực hiện hoặc là cưỡng chế đối với những trường hợp không đồng ý, không thể chỉ vì sự phản đối của một thiểu số mà chúng ta phải chậm, thậm chí có những trường hợp phải tạm dừng triển khai dự án. Phải làm rõ nguyên tắc đồng thuận tương đối. Luật mà không rõ thì rất khó trong quá trình áp dụng triển khai thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho hay.
Đền bù không chỉ là vật chất mà phải cả yếu tố tinh thần
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, theo quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay bắt đầu tiếp cận theo hướng đền bù theo giá thị trường. Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay, thu hồi đất không chỉ vấn đề giá mà còn liên quan đến nhiều yếu tố về dòng tộc, tâm linh sự quen thuộc.
“Có thể khi bố trí nơi ở cũ, người dân phải chuyển đi nơi khác, được đền bù tiền cao hơn, căn hộ bê tông xi măng bền vững hơn, nhưng không giải quyết được vấn đề là cuộc sống người dân ổn định hơn, bởi còn nhiều yếu tố là hàng xóm láng giềng, trường học... Tôi đề nghị giá đền bù không chỉ giá thị trường, xuất phát từ chỉ đạo đời sống bằng hoặc tốt hơn thì không chỉ đo bằng tiền mà phải cộng thêm yếu tố này vào. Trong luật dân sự cho phép đền bù bồi thường vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu.
Cũng quan tâm đến quy định thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, dự thảo luật thu hẹp các trường hợp thu hồi đất sẽ dẫn tới khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án quy mô nhỏ, công trình xã hội hóa, vì vậy, đề nghị tất cả có sử dụng đất đều thực hiện thu hồi đất…
Đối với quy định về bồi thường, đại biểu đề nghị chỉ quy định được bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc bằng tiền hoặc bằng đất trong cùng nhóm đất với loại đất thu hồi, không bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở.
Góp ý quy định về bồi thường, đại biểu đề nghị phân định rõ thế nào là bồi thường, thế nào là hỗ trợ, trong đó với thiệt hại của người dân và doanh nghiệp thì bắt buộc phải bồi thường, còn hỗ trợ là giúp cho cuộc sống của người bị thu hồi đất tốt hơn; việc bồi thường cũng cần đảm bảo nguyên tắc “bồi thường thỏa đáng”.
Đại biểu Lê Minh Hoan (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho hay, trong dự thảo luật nêu nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đảm bảo người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất - đây là vấn đề tưởng đơn giản nhưng không đơn giản.
Theo quy định của dự thảo luật, hàng năm Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành bảng giá đất (trên cơ sở tiến hành khảo sát, điều tra, xây dựng đơn giá bồi thường) nhưng quá trình thực hiện trên thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Bởi việc bồi thường không chỉ căn cứ vào bảng giá đất, mà cần phải tính đến nhiều vấn đề như sinh kế, không gian sống, không gian học tập, phong tục tập quán….của người bị thu hồi đất.
"Cần có cách tiếp cận mới trong đền bù, giải phóng mặt bằng, chừng nào còn tư duy mua bán trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chừng đó sẽ thất bại. Vì vậy, lãnh đạo địa phương cần đến từng hộ dân khảo sát, sau đó mới tiến hành áp đơn giá đền bù, đặc biệt lưu ý việc đền bù tính theo chệnh lệch địa tô, không chỉ là đơn giá", đại biểu Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội lần thứ hai đã thu hút sự quan tâm của nhân dân. Vừa qua, Chính phủ đã lấy ý kiến của nhân dân bằng các hình thức tổ chức các hội thảo góp ý, phản biện... Có tới 12 triệu ý kiến của nhân dân đã được cơ quan soạn thảo tổng hợp, tiếp thu và lựa chọn đưa vào dự án Luật. Sau khi lấy ý kiến của nhân dân thì cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc cầu thị, dự thảo mới có 263 điều, trong đó cơ quan soạn thảo đã bỏ 13 điều, bổ sung 40 điều so với dự thảo cũ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa luật phải đảm bảo được việc quản lý và sử dụng đất hiệu quả, đảm bảo được lợi ích của nhân dân.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, quan điểm bồi thường, hỗ trợ tái định cư “phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần phải được làm rõ. Đây phải là khu tái định cư bằng hoặc hơn nơi ở cũ, mà khẳng định, đây là cuộc sống của nhân dân sau khi tái định cư phải được đảm bảo bằng hoặc hơn trước. Trong đó, cuộc sống của người dân là có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sản xuất, sinh kế mới đảm bảo bằng hoặc hơn.
“Đất đai thường được hiểu là có đất ở, đất sản xuất nhưng phải gắn vào văn hóa, gắn bó cộng đồng. Chúng ta đã thấy rằng nhiều khu tái định cư làm xong mà không gắn vào đất sản xuất của nhân dân, không đúng với bản sắc văn hóa thì nhân dân không ở. Bởi vậy, khi nghiên cứu việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong luật chúng ta sẽ quyết định về nguyên tắc phân cấp cho địa phương. Lãnh đạo địa phương phải nghe trước, phải điều tra xã hội học hoàn chỉnh sau đó phân tích thêm để phù hợp với từng địa phương”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định.
Đồng thời, ngoài vấn đề tái định cư, chuyển đổi, đào tạo nghề, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh đến đối tượng như người già, trẻ em, người yếu thế phải sản xuất và sinh kế của họ thế nào. Trong luật đưa ra khung, đưa ra yêu cầu, đưa ra mục tiêu, mục đích; nhưng chính quyền địa phương phải tham gia. Đặc biệt, phải chú trọng đến phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của từng vùng.