Đảm bảo quyền tự quyết về sinh sản

'Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi' là chủ đề Ngày Dân số thế giới (11/7) năm 2025. Thông điệp này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho mỗi cá nhân, để họ có thể đưa ra các quyết định về sinh sản một cách tự nguyện, trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng.

Diễn giải nội dung chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay, Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, hàng triệu người trên khắp thế giới vẫn không thể thực hiện được quyền về sinh sản và quyền tự do lựa chọn của mình. Dù rằng, quyết định sinh con hoặc không có con là quyết định mang tính riêng tư và ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mỗi người.

Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc cũng đã phối hợp với YouGov, một công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên internet quốc tế đã thực hiện một cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 14 nghìn người trưởng thành tại 14 quốc gia để tìm hiểu về mong muốn sinh con và kết quả thực tế mà mỗi cá nhân đạt được cũng như thách thức mà họ gặp phải. Kết quả khảo sát cho thấy, 18% số người được khảo sát cho rằng họ sẽ không đạt được số con như mong muốn, 11% cho rằng mình sẽ sinh ít con hơn mức mà họ cho là lý tưởng.

Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Ảnh: TL

Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Ảnh: TL

Trong số 10 nghìn người đã có hoặc muốn có con, 39% trong số đó cho biết những hạn chế về tài chính là yếu tố khiến họ không thể sinh số con như mong muốn; 40% bày tỏ những rào cản về nhà ở, công việc đã ảnh hưởng đến quyết định sinh con của họ; 10% cho biết việc bạn đời của họ không chia sẻ việc nhà hoặc chăm sóc trẻ sẽ dẫn đến việc sinh ít con hơn mong muốn. Khảo sát của UNFPA cũng cho thấy, nam giới và phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản trong thực hiện mong muốn sinh con. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn là đối tượng bị đổ lỗi nhiều hơn khi tỷ suất sinh giảm.

Chia sẻ quan điểm về quyền tự quyết trong sinh sản, chị T.H.A, ở phường Cẩm Thành bộc bạch, vợ chồng tôi cùng 34 tuổi và đã có một con trai 7 tuổi. Từ nhiều năm nay, tôi liên tục nhận được những câu hỏi, thậm chí thúc ép từ gia đình, họ hàng về việc sinh thêm con. Dù vợ chồng đã nhiều lần bày tỏ, chúng tôi đã quyết định chỉ sinh 1 con, vì vấn đề sức khỏe và hai vợ chồng cần phải dành thời gian phấn đấu trong công việc. Quyết định sinh thêm con hay không, là chuyện riêng của vợ chồng tôi, nhưng chúng tôi lại không được mọi người tôn trọng sự riêng tư đó.

Nên sinh con trước tuổi 35

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, dù biết rằng, quyết định sinh con ở độ tuổi nào là quyền của cá nhân, tuy nhiên, khi đã quyết định sinh con, thì phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi. Bởi, sau 35 tuổi, bên cạnh khả năng thụ thai ngày càng thấp đi, phụ nữ còn đối diện với nguy cơ cao gặp các biến chứng thai kỳ và nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ. Nhất là những bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards…

Giữa bộn bề cuộc sống, những lo ngại về kinh tế, sức khỏe, thiếu vắng hoặc không có bạn đời, đang tác động đến quyết định sinh sản của nhiều người. Trên thực tế, nhiều người trẻ cho rằng, chỉ khi nào tháo gỡ được nút thắt về áp lực kinh tế, công việc, họ mới sẵn sàng sinh nhiều con.

Quyết định sinh con thứ 2 ở tuổi 28, chị Nguyễn Thị Ý, ở xã An Phú chia sẻ, nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực từ gia đình, chị cùng chồng chưa thể sinh con thứ 2 như dự định. “Tôi là giáo viên tiếng Anh, nhận dạy kèm tại nhà, còn chồng tôi là thợ mộc. Tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng hơn 10 triệu. Với thu nhập nói trên, nếu không ở cùng ba mẹ, chúng tôi không đủ điều kiện để sinh con thứ 2. Ở cùng ba mẹ, chúng tôi không phải lo tích cóp tiền mua đất, xây nhà. Tiền ăn uống, điện nước hằng tháng, ba mẹ cũng hỗ trợ. Chúng tôi nhờ vậy, mới đủ điều kiện để lo cho đứa con đầu lòng và sẵn sàng sinh con thứ 2”, chị Ý bày tỏ.

Theo Thạc sĩ Tâm lý học, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng Ngô Thị Kim Ngọc, giữa một thế giới đang thay đổi, quan niệm của người trẻ cũng khác biệt hơn so với các thế hệ đi trước. Bên cạnh những rào cản liên quan đến điều kiện kinh tế, áp lực công việc, cũng có những bạn trẻ, xuất hiện tâm lý lo âu khi thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ nên chưa sẵn sàng sinh con.

Vì vậy, quyền tự quyết về sinh sản không chỉ đơn thuần là tự do, không bị ép buộc, mà bao gồm các điều kiện toàn diện giúp mỗi người đảm bảo quyền sinh sản và khả năng thực hiện mong muốn sinh sản- từ bình đẳng giới, ổn định kinh tế, sức khỏe thể chất và tinh thần cho đến niềm tin vào tương lai. Những điều kiện này vẫn đang nằm ngoài tầm với của rất nhiều bạn trẻ. Họ cần những chính sách hỗ trợ để giảm bớt áp lực về kinh tế, cùng với đó, các bạn nữ cần sự hỗ trợ, quan tâm từ bạn đời và gia đình, để họ thực sự mong muốn trải nghiệm hạnh phúc và giá trị của việc làm mẹ.

Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/dam-bao-quyen-tu-quyet-ve-sinh-san-54384.htm